BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở PHỤ NỮ MANG THAI – MẸ BẦU CẦN LƯU Ý

Share :

1. Đại cương

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường glucose ở bất kỳ mức độ nào, được phát hiện lần đầu trong thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra nhiều nguy cơ đối với bà mẹ và thai nhi. Đối với mẹ, đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật, nhiễm khuẩn tiết niệu, sinh non, sinh khó do thai to, băng huyết sau sinh, tăng tỷ lệ mổ lấy thai,…. Đối với thai nhi, tăng nguy cơ sang chấn trong quá trình chuyển dạ, dị tật bẩm sinh, hạ glucose máu sau sinh, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh,…

2. Nguyên nhân

Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ lượng Insulin cần thiết sử dụng trong quá trình mang thai. Rất nhiều hoormon được sản xuất trong thai kỳ để tạo ra những thay đổi nhằm chuẩn bị cho quá trình sinh con, những hoormon này làm giảm hiệu quả của insulin tác động lên các tế bào, tình trạng này được gọi là đề kháng insulin. Đề kháng insulin làm gia tăng nhu cầu của cơ thể với hoormon này và đây là nguyên nhân gây ra đái tháo đường thai kỳ.

3. Yếu tố nguy cơ

  • Thừa cân, béo phì.
  • Tiền sử sinh con ≥ 4000 gram.
  • Có bố, mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường.
  • Có rối loạn về dung nạp glucose được phát hiện trước đây.
  • Tuổi ≥ 35 khi mang thai, tuổi càng cao nguy cơ càng tăng.
  • Tiền sử sản khoa xấu: thai lưu nhiều lần, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân.

4. Chẩn đoán

  • Sàng lọc: Sử dụng nghiệm pháp dung nạp đường

+ Đối với thai phụ nguy cơ thấp: Thực hiện trong khoảng từ 24-28 tuần tuổi thai.

+ Đối với thai phụ nguy cơ cao: Thực hiện xét nghiệm đường huyết, HbA1C và nghiệm pháp dung nạp đường trong 3 tháng đầu thai kỳ. Xét nghiệm lại lần 2 khi thai được 24 tuần  hoặc trong quý II và lần 3 vào quý III thai kỳ.

  • Nghiệm pháp dung nạp đường:

Thai phụ nhịn đói ít nhất 8 giờ. Xét nghiệm đường huyết lần 1. Thai phụ uống 75 gram glucose, sau đó lấy máu vào thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống để làm xét nghiệm đường huyết.

  • Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:

Khi có bất kỳ 1 trong 3 tiêu chuẩn sau

+ Đường huyết đói: ≥ 5,1 mmol/L (92 mg/dL)

+ Đường huyết thời điểm 1 giờ sau uống: ≥10,0 mmol/L (180 mg/dL)

+ Đường huyết thời điểm 2 giờ sau uống: ≥ 8,5 mmol/L (153 mg/dL)

5. Điều trị và dự phòng

  • Điều trị đái tháo đường thai kỳ

Nếu thai phụ phát hiện đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn chế độ ăn, chế độ vận động hợp lý giúp kiểm soát đường huyết, theo dõi đường huyết tại nhà, theo dõi cử động thai.

Theo dõi chặt chẽ sức khỏe mẹ và bé trong quá trình chuyển dạ hoặc chỉ định mổ lấy thai khi thai to.

  • Dự phòng

Duy trì cân nặng hợp lý trước khi có kế hoạch mang thai là dự phòng duy nhất đối với đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, không được tự ý giảm cân trong quá trình mang thai vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tự nhiên của em bé trong bụng mẹ.

Hiện nay tại phòng khám Sản phụ khoa- Bệnh viện đa khoa Bình Định, tất cả thai phụ được tư vấn sàng lọc đái tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp đường từ tuần 24- 28 của thai kỳ. Thai phụ nhịn ăn từ 22h tối hôm trước, đến khám sẽ được lấy máu xét nghiệm. Nếu phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về chế độ ăn, chế độ vận động, theo dõi sức khỏe mẹ và thai tại nhà. Trong quá trình nhập viện theo dõi chuyển dạ, thai phụ sẽ được bác sĩ thăm khám và tư vấn đầy đủ về các nguy cơ đối với mẹ và trẻ sơ sinh.

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – Bộ y tế 2016

Nguồn: Khoa Phụ sản – Bệnh viện Bình Định

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.