CÁCH GIẢM KALI TỪ CHẾ ĐỘ ĂN

Share :

Kali là một loại chất khoáng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Trong cơ thể, kali giữ vai trò quan trọng trong việc cân bằng nước và điện giải, giữ cho tim cũng như dây thần kinh và cơ bắp trong cơ thể hoạt động bình thường. Trong một vài bệnh lý gây tăng kali, đặc biệt là bệnh thận mạn các giai đoạn cuối, người bệnh cần quan tâm lượng kali trong chế độ ăn để giữ mức kali trong giới hạn bình thường.

Vai trò của thận đối với kiểm soát Kali

Trong cơ thể, nồng độ Kali luôn được giữ ở mức cân bằng để đảm bảo các hoạt động sinh lý diễn ra bình thường. Thận là cơ quan chủ yếu giúp đào thải lượng Kali dư thừa ra ngoài qua nước tiểu.

Tăng kali máu được chẩn đoán khi nồng độ kali huyết thanh > 5.5 mEq/L (> 5.5 mmol/L), thường là kết quả của việc giảm bài tiết kali của thận (bệnh thận) hoặc dịch chuyển kali bất thường trong cơ thể.

Khi bệnh nhân bệnh thận mạn có kèm theo tăng kali máu, chế độ ăn giảm kali giúp hỗ trợ điều trị và giảm nguy cơ phát triển biến chứng của việc dư thừa kali.

Giảm Kali trong chế độ ăn 

Hầu hết các loại thực phẩm đều chứa hàm lượng kali nhất định. Nhiều loại thực phẩm nguồn gốc thực vật (rau, củ, trái cây) chứa hàm lượng kali cao. Bên cạnh lựa chọn ưu tiên thực phẩm ít kali, chúng ta có những cách chế biến làm giảm lượng kali ở những thực phẩm chứa nhiều kali.

Cách lựa chọn và chế biến thức ăn giảm Kali
Đọc kĩ nhãn thực phẩm khi lựa chọn thực phẩm công nghiệp chế biến sẵn. Hầu như tất cả thực phẩm đều có chứa kali, do đó, khi lựa chọn giữa các loại với nhau, ưu tiên chọn thực phẩm có hàm lượng kali thấp hơn.
Không ăn quá nhiều trong một lần ăn. Một khẩu phần lớn thức ăn có hàm lượng kali thấp có thể cung cấp nhiều kali hơn một khẩu phần nhỏ thức ăn có hàm lượng kali cao.

Sơ chế giúp giảm kali trong thực phẩm:

  • Gọt vỏ các loại củ quả. Kali thường chứa nhiều trong vỏ các loại củ và quả, khi gọt vỏ sẽ giảm bớt hàm lượng kali trong thực phẩm ăn vào.
  • Cắt nhỏ rau củ, rửa qua nhiều lần nước không kèm muối. Tốt nhất nên sử dụng nước ấm để rửa rau củ.
  • Luộc rau củ với thật nhiều nước (lượng nước ít nhất gấp 5 lần lượng rau), các loại củ có thể luộc 2 lần. Sau khi luộc xong chúng ta bỏ phần nước luộc đi, dùng phần rau để chế biến các món ăn theo ý thích (nấu canh, xào,..).

Rau, củ, quả là những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là các bệnh mạn tính, giúp ngăn ngừa táo bón cũng như các biến chứng nặng. Với các cách sơ chế nêu trên, thực phẩm được loại bỏ bớt lượng kali, hỗ trợ cho việc điều trị ở bệnh nhân có tăng kali máu.

Nguồn: Phòng Dinh dưỡng – Bệnh viện Bình Định

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.