SỰ RỤNG RỐN
Dây rốn vốn dĩ là một liên kết sống còn giữa em bé và mẹ trong giai đoạn thai kỳ, giúp cung cấp máu, oxy cũng như các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện của thai nhi.
Khi trẻ chào đời, do không còn làm nhiệm vụ này nữa nên dây rốn sẽ được các bác sĩ cắt đi, để lại dấu tích cho sự liên kết thiêng liêng ấy là một cuống rốn dài 4-5cm. Để tránh chảy máu và nhiễm trùng thì cuống rốn của trẻ khi chào đời được các bác sĩ kẹp lại bằng chiếc kẹp rốn.
Bình thường rốn bé sẽ tự rụng trong vòng từ 7 đến 15 ngày sau khi sinh. Tuy nhiên sự rụng rốn có thể bị trì hoãn nếu trẻ bị nhiễm trùng rốn, mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc khi trẻ phải sử dụng kháng sinh. Trong quá trình rụng hoặc sau khi rụng, vùng chân rốn có thể còn rỉ một ít dịch hoặc máu trong khoảng vài ngày, điều này là bình thường. Bố mẹ có thể dùng nước muối sinh lý và tăm bông để vệ sinh, thấm khô chân rốn. Bố mẹ cũng cần để rốn rụng tự nhiên và không nên cố gắng loại bỏ dây rốn khi sắp rụng.
Tuy nhiên trong giai đoạn khi rốn chưa liền, thì rốn có thể là một đường vào gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
CÁC BƯỚC THỰC HIỆN CHĂM SÓC RỐN
– Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi chăm sóc rốn cho trẻ.
– Quan sát rốn và vùng da quanh rốn xem có dấu hiệu gì bất thường như cuống rốn mềm nhũn, có dịch mủ chảy ra, mùi hôi, vùng da xung quanh sưng nề đỏ…
– Dùng bông vô trùng thấm nước muối sinh lý để vệ sinh rốn cho trẻ theo thứ tự từ chân rốn, thân rốn, mặt cắt cuống rốn rồi đến da xung quanh cuống rốn (từ chân rốn rộng ra 5cm).
– Luôn giữ cho dây rốn hở-thoáng, tiếp xúc với không khí sẽ giúp rốn nhanh khô và rụng.
– Gấp tã, bỉm thấp dưới rốn. Tránh để phân hoặc nước tiểu dính vào dây rốn có thể gây nhiễm trùng.
DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG: cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế nếu trẻ có một trong những biểu hiện
– Vùng rốn sưng đỏ
– Rốn rỉ dịch mủ
– Rốn có mùi hôi
– Sưng, đỏ vùng da xung quanh rốn
– Rốn chảy máu nhiều và kéo dài
– Rốn có chồi hạt hoặc rỉ nước kéo dài.
– Rốn chậm rụng sau 3 tuần
NHỮNG SAI LẦM khi chăm sóc rốn:
– Băng rốn quá chặt và kín: điều này là không nên vì làm cho rốn lâu khô và có thể gây ra nhiễm trùng rốn.
– Bôi hoặc đắp bất kì chất gì lên rốn: nếu không có chỉ định của bác sĩ thì việc đắp bất cứ chất gì lên rốn vừa có thể gây nhiễm trùng rốn vừa có thể gây ngộ độc ở trẻ.
– Dùng thuốc sát trùng để bôi hằng ngày: điều này nếu không cần thiết có thể làm rốn lâu rụng hơn và có thể gây kích ứng da trẻ.
– Không dám chạm vào rốn con vì sợ bé đau: trên thực tế cuốn rốn không có dây thần kinh nên chạm vào bé sẽ không đau.