BỆNH LÝ BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Share :

Bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) được định nghĩa là bàn chân của các bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ có nguy cơ bị các tổn thương bệnh lý gồm nhiễm khuẩn, loét, và/hoặc sự phá hủy các mô sâu liên quan tới các bất thường về thần kinh, một số giai đoạn của bệnh mạch máu ngoại vi và/hoặc các biến chứng chuyển hóa của đái tháo đường ở các chi dưới.

1. MỘT BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI BỆNH MẮC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Loét bàn chân là một biến chứng quan trọng của bệnh ĐTĐ với tỉ lệ mới mắc hàng năm là khoảng 2% tổng số bệnh nhân. Tỉ lệ này tăng từ 5-7.5% ở những bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý thần kinh ngoại biên. Điều đáng lo ngại là có đến 15% bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị loét tại một thời điểm nào đó trong toàn bộ cuộc đời của họ.

2. CƠ CHẾ CỦA BỆNH LÝ BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Có 3 nguyên nhân chính gây nên tình trạng loét bàn chân ở người mắc Đái tháo đường lâu năm gồm :

Tổn thương thần kinh ngoại biên, bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm khuẩn.

3. NGUYÊN NHÂN SỐ 1 GÂY ĐOẠN CHI VÀ TỬ VONG SỚM

Ở những bệnh nhân đái tháo đường có xuất hiện biến chứng bàn chân đái tháo đường nếu không được điều trị sớm và hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, hoại tử, và kết cục cuối cùng là phải cắt cụt chi. Việc này không những làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và còn gây tăng tỷ lệ tử vong sớm.

4. NHẬN BIẾT DẤU HIỆU BỆNH VÀ KHI NÀO NÊN ĐI KHÁM BÁC SĨ ?

Bàn chân bị hoại tử (giai đoạn muộn)   

Vết loét rộng ở gan bàn chân có dấu hiệu nhiễm khuẩn

Thực tế điều trị tại khoa Nội bệnh viện Bình Định cho thấy hầu hết bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn muộn, đã có dấu hiệu nhiễm trùng nặng và hoại tử chi, vì vậy tiên lượng xấu và rất khó để điều trị, phục hồi.

Bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám khi có những dấu hiệu sau: thay đổi màu da trên bàn chân, sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân, thay đổi nhiệt độ ở bàn chân, vết loét dai dẳng trên bàn chân, đau hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc mắt cá chân, móng chân mọc ngược, bệnh nấm da chân hoặc các bệnh nhiễm trùng nấm khác ở bàn chân, da khô, nứt nẻ ở gót chân, dấu hiệu nhiễm trùng…

5. XỬ TRÍ NHƯ THẾ NÀO

Nhìn chung, cách xử trí bệnh nhân ĐTĐ có loét bàn chân thường là: Kiểm soát chuyển hóa, làm rộng vết thương, loại bỏ các áp lực tại chỗ, điều trị nhiễm khuẩn bằng kháng sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn tại chỗ như băng gạc bất hoạt vi khuẩn, plasma lạnh diệt vi sinh vật, đặc biệt kiểm soát màng biofilm, kiểm soát dịch tại vết thương, kiểm soát biểu bì hóa đặc biệt khiểm soát các đường hầm tạo ra do sự mất tổ chức, có thể sử dụng các yếu tố phát triển và các phương pháp tái tạo mạch nếu có chỉ định.

6. CÁCH PHÒNG NGỪA

Đối với người mắc Đái tháo đường việc duy trì phác đồ điều trị và tái khám đều đặn là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh lý này.

Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết- Đái tháo đường sẽ kiểm tra và đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết của người bệnh, từ đó điều chỉnh thuốc một cách hợp lý giúp duy trì lượng đường máu hợp lý, từ đó ngăn ngừa nguy cơ xảy ra những biến chứng của bệnh Đái tháo đường.

Bên cạnh đó những biện pháp mà người bệnh và gia đình có thể làm tại nhà như :

  • Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày: Dùng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để rửa chân mỗi ngày. Người bệnh không nên ngâm chân, sau khi rửa xong thì cần dùng khăn lau cho khô, đặc biệt là các kẽ chân.
  • Kiểm tra bàn chân mỗi ngày: Việc này cần thiết để tìm vết loét, mụn nước, mẩn đỏ, vết chai hoặc bất kỳ vấn đề nào khác có thể xảy ra.
  • Thoa kem dưỡng ẩm: Nếu da chân bị khô, người bệnh có thể giữ ẩm bằng cách thoa kem dưỡng da sau khi rửa sạch và lau khô chân. Lưu ý, không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân.
  • Chà vết chai ở chân: Sau khi tắm xong, người bệnh dùng bảng nhám hoặc đá bọt để nhẹ nhàng chà vào vết chai ở chân.
  • Kiểm tra móng chân mỗi tuần một lần: Cắt móng chân mỗi tuần nhưng lưu ý không cắt khóe để tránh gây tổn thương. Sau khi cắt, người bệnh nên làm mịn móng chân bằng dụng cụ dũa móng.
  • Sử dụng giày hoặc dép kín mũi: Người bệnh không nên đi dép hở mũi hoặc đi chân đất mà nên đi giày hoặc dép kín mũi, vừa chân và xỏ tất mềm, thoáng.
  • Giúp máu lưu thông đến chân: Người bệnh có thể gác chân khi ngồi và lắc lư các ngón chân nhiều lần trong ngày. Bạn cũng không ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài.
  • Không hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm cho các vấn đề về lưu lượng máu trở nên tồi tệ hơn.

Nguồn: Bài viết từ bác sĩ Nguyễn Ly Na – Bệnh viện Bình Định.

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.