Chụp động mạch thận

Share :

Bệnh lý động mạch thận bao gồm các tổn thương ảnh hưởng đến động mạch thận, có thể ở động mạch thận cỡ lớn, cũng có thể ở mức độ cỡ vừa và nhỏ. Bệnh có thể là nguyên phát (tổn thương bẩm sinh) hoặc thứ phát sau một rối loạn khác. Diễn tiến của bệnh động mạch thận có thể cấp tính hoặc mạn tính. Biểu hiện chủ yếu trên lâm sàng của bệnh lý động mạch thận là tăng huyết áp. Chẩn đoán xác định vẫn còn phải dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng, nhất là chụp động mạch thận.

Hẹp động mạch thận có thể gây tăng huyết áp và/ hoặc gây ra suy thận dẫn đến suy tim và bệnh não do tăng huyết áp. Can thiệp động mạch thận là quá trình nong bóng và đặt stent làm khôi phục đường kính động mạch thận, giúp cho động mạch thận trở lại chức năng sinh lý bình thường.

Theo khuyến cáo của AHA/ACC năm 2005 về can thiệp mạch máu ngoại biên, các chỉ định của can thiệp động mạch thận qua da bao gồm:

  • Hẹp động mạch thận gây tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp kháng trị (không đạt được mức huyết áp mục tiêu với 3 loại thuốc hạ huyết áp trong đó có lợi tiểu).
  • Hẹp động mạch thận gây suy thận tiến triển.
  • Hẹp động mạch thận ở người có một thận hoặc hẹp động mạch thận 2 bên.
  • Hẹp động mạch thận gây triệu chứng suy tim hoặc phù phổi thoáng qua tái phát nhiều lần.
  • Cải thiện triệu chứng ở người bệnh hẹp động mạch thận kèm đau thắt ngực không ổn định hoặc suy tim.

Can thiệp động mạch thận có thể thực hiện chỉ bằng cách mở một lỗ nhỏ trên da để đưa catheter vào động mạch ở đùi hay cổ tay. Người bệnh sẽ được gây tê tại vùng chọc nên nhìn chung, thủ thuật này không gây đau hơn một lần lấy máu làm xét nghiệm. Bệnh nhân vẫn luôn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Khi chụp mạch thận, bác sĩ của bạn sẽ chỉ cho bạn động mạch thận bị hẹp/tắc, vị trí tắc nghẽn và mức độ tổn thương có cần được can thiệp nong và đặt stent hay không. Quá trình thực hiện thủ thuật thường được tiến hành trong vòng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân có thể về nhà sau 1 – 2 ngày tính từ khi kết thúc thủ thuật.

Thủ thuật chụp và can thiệp động mạch thận là thủ thuật xâm lấn và có thể gây ra một số biến chứng gồm chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với thuốc cản quang sử dụng trong khi chụp, nguy cơ tổn thương mạch máu, đột quỵ và suy thận.

Trước và sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh cần được theo dõi vị trí chọc mạch, huyết áp (Huyết áp có thể giảm nhiều sau khi can thiệp mạch thận thành công), lượng nước tiểu và chức năng gan thận và có thể cần sử dụng các thuốc kháng kết tập tiểu cầu nên cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: Bệnh viện Bình Định.

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.