DINH DƯỠNG VÀ LỐI SỐNG VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Share :

Đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính. Ở Việt Nam, tỷ lệ người bệnh và tốc độ phát triển bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, dinh dưỡng và lối sống đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc tuân thủ nguyên tắc ăn uống và duy trì những thói quen lành mạnh giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh và cuộc sống.

1. Vai trò của dinh dưỡng và lối sống với bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, dẫn đến đường máu thường tăng cao quá mức. Sự mất cân bằng dao động đường huyết này gây ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của cơ thể. Khi đường huyết kiểm soát không tốt, theo thời gian bệnh diễn tiến nặng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác.

Hiện nay, bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh đái tháo đường. Việc ăn uống đúng cách, kết hợp tập luyện và duy trì tinh thần lạc quan sẽ giúp người bệnh duy trì mức dao động đường huyết ổn định, làm giảm tốc độ tiến triển bệnh.

2. Những nguyên tắc xây dựng bữa ăn cho người đái tháo đường

Đa dạng bữa ăn, đảm bảo đủ chất

Không chỉ riêng người bệnh, bữa ăn của mỗi chúng ta đều cần đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ các chất cần thiết cho cơ thể.

Không cắt giảm tinh bột quá mức

Tinh bột có vai trò rất quan trọng, là nguồn cung cấp năng lượng chính trong các hoạt động sống của cơ thể. Trong chế độ ăn đái tháo đường, năng lượng đến từ chất đường bột không giảm dưới 50% tổng năng lượng để đảm bảo khả năng hoạt động bình thường của hệ thần kinh, tuần hoàn và cơ bắp.

Hiện nay chúng ta có các phương pháp trực quan giúp người bệnh cơ bản ước lượng thực phẩm ăn vào mỗi bữa ăn chính như sau:

  • Phương pháp đĩa thức ăn: Thức ăn được bày ra chiếc đĩa (loại có đường kính tầm 25cm). Rau củ ít tinh bột sẽ chiếm 1 nửa chiếc đĩa, ¼ đĩa dành cho thức ăn giàu đạm và ¼ còn lại là phần của thức ăn giàu tinh bột.
  • Phương pháp bàn tay: Thực phẩm được ước tính dựa vào bàn tay người bệnh. Lượng rau củ tương ứng đầy 2 lòng bàn tay. Kích thước thực phẩm giàu đạm tương đương lòng bàn tay (không tính phần ngón tay) và độ dày bằng ngón tay út. Lượng thức ăn giàu tinh bột bằng khoảng 1 nắm tay và lượng trái cây nhỏ hơn 1 nắm tay. Cuối cùng, lượng chất béo được sử dụng ứng với đầu ngón tay cái.

Hình 2. Nguyên tắc đĩa thức ăn và nguyên tắc bàn tay trong xây dựng bữa ăn bệnh nhân đái tháo đường

Lựa chọn thực phẩm phù hợp bệnh lý

Việc lựa chọn loại tinh bột tốt, giàu dinh dưỡng và chất xơ góp phần rất lớn trong việc giữ đường huyết dao động ở mức ổn định. Chất xơ giúp giảm tốc độ hấp thu đường từ ruột vào máu, hạn chế tình trạng tăng vọt đường huyết sau bữa ăn. Bên cạnh đó, thức ăn và đồ uống nhiều đường (nước ngọt, bánh kẹo..) cần được hạn chế, thay bằng thực phẩm dinh dưỡng lành mạnh hơn. Với người bệnh đái tháo đường, ăn trái cây sẽ tốt hơn là uống nước ép (miếng trái cây có thêm chất xơ).

Cần kiểm soát về năng lượng khi có tình trạng thừa cân, béo phì

Tình trạng thừa cân, béo phì ảnh hưởng đến điều trị và diễn tiến đái tháo đường, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính kèm theo như tim mạch,.. Vì vậy, với người bệnh đái tháo đường thừa cân, béo phì cần kiểm soát năng lượng bữa ăn để tránh tăng cân và có kế hoạch giảm cân khoa học.

Những điều cần lưu ý với người bệnh đái tháo đường

Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, tăng vận động trong sinh hoạt hằng ngày

Luyện tập thể dục thể thao phù hợp và đều đặn giúp kiểm soát cân nặng, giảm đường huyết, mỡ máu, huyết áp, giúp cơ xương khỏe mạnh và giảm căng thẳng. Người bệnh nên duy trì đều đặn tập, kết hợp các bài tập có kháng lực (kéo dây, nâng tạ…), không ngưng tập quá 2 ngày liên tiếp. Mỗi buổi tập tối thiểu 50 phút cho các bài tập cường độ nhẹ – trung bình (đi bộ, yoga) hoặc 25 phút cho các luyện tập cường độ mạnh hơn (nâng tạ, HIIT..). Chương trình tập luyện nên được thiết kế phù hợp với độ tuổi và thể trạng sức khỏe của mỗi người.

Tái khám đúng hẹn, theo dõi đường huyết định kỳ

Việc tái khám định kỳ theo lịch hẹn giúp bác sĩ theo dõi tình trạng đường huyết và có những điều chỉnh thuốc theo diễn tiến bệnh. Đồng thời, ở những người đái tháo đường lâu năm cần được tầm soát các bệnh mạn tính kèm theo để phát hiện và điều trị kịp thời.

Chú ý tình trạng hạ đường huyết

Nhắc đến đái tháo đường, chúng ta thường nghĩ đến làm sao để đường huyết không tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng hạ đường huyết ở đối tượng này dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu ≤ 70 mg/dL (≤ 3.9 mmol/L). Tùy mức độ mà người bệnh nhận thấy các dấu hiệu sau: cáu gắt, đau đầu, vã mồ hôi, đói bủn rủn tay chân, mệt mỏi, run rẩy,..

Thời điểm dễ hạ đường huyết là trước các bữa ăn và ban đêm khi ngủ. Vì vậy, người bệnh nên chuẩn bị sẵn vài viên kẹo nhỏ, nước ngọt,.. gần bên cạnh để có thể sử dụng ngay khi thấy các triệu chứng nghi ngờ hạ đường huyết. Khi tình trạng này diễn ra thường xuyên, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ cân nhắc điều chỉnh thuốc cũng như chế độ ăn cho phù hợp.

Chăm sóc bàn chân

Bàn chân đái tháo đường là một trong những biến chứng thần kinh của bệnh. Ở giai đoạn này, cảm giác vùng bàn chân giảm đi, người bệnh có thể không nhận biết tốt các vết thương và dễ dẫn đến nhiễm trùng. Vì vậy, việc kiểm tra và chăm sóc bàn chân hằng ngày là rất cần thiết.

Tóm lại, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống ở người bệnh đái tháo đường luôn mang tính cá thể hóa, phù hợp theo sinh hoạt, công việc, sở thích và khả năng thích nghi của mỗi cá nhân. Các bác sĩ tại bệnh viện Bình Định sẽ đồng hành cùng bạn trong việc điều trị cũng như tư vấn chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.     

 

 

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.