RỐI LOẠN SÀN CHẬU

Share :

Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng mà người phụ nữ nào cũng mong muốn được trải qua trong đời nhưng tiềm ẩn sau đó là nguy cơ mắc các bệnh vùng kín, mà phổ biến là bệnh lý rối loạn chức năng sàn chậu.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ từng mang thai/sinh con, người từ 40 tuổi trở lên, phụ nữ sau mãn kinh, người bị táo bón mạn tính, người thường xuyên làm việc nặng, người từng phẫu thuật vùng chậu… Bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ vùng kín mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống; nhưng vì tâm lý e ngại nên nhiều chị em đành âm thầm chịu đựng để vuột mất cơ hội điều trị bệnh sớm, triệt để.

RỐI LOẠN SÀN CHẬU LÀ GÌ?

Rối loạn sàn chậu là những tác động được gây ra bởi sức nặng khi mang thai và áp lực căng giãn của cuộc sinh khiến chức năng cơ sàn chậu của người phụ nữ không thể hoạt động bình thường ngay từ trong thai kỳ đến sau sinh và cả sau này.

Theo ThS.BS Phan Thị Minh Trang – Trưởng Khoa Phụ Sản Bệnh viện Bình Định, bệnh lý sàn chậu xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ với tần suất gấp 4 lần nam giới, do liên quan trực tiếp đến mang thai, sanh nở, thiếu hụt nội tiết giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Đây là bệnh lý có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người bệnh, gây thiếu tự tin và điều trị dai dẳng, tốn kém.

Các nhóm bệnh về sàn chậu trải rộng trên 3 chuyên khoa như gồm: Niệu khoa, Phụ khoa và Hậu môn trực tràng.

  • Rối loạn đi tiểu: són tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu khó, tiểu đêm.
  • Rối loạn đại tiện: són hơi, són phân, đại tiện nhiều lần, không hết, táo bón hoặc đau bụng, đau  thốn hậu môn khi mắc đại tiện.
  • Rối loạn sinh hoạt tình dục: giãn rộng âm đạo, giao hợp giảm cảm giác hoặc đau, không giao hợp được.

Cụ thể, các khối sa ở vùng sinh dục như sa tử cung, bàng quang, trực tràng, ruột, mỏm cắt sau cắt tử cung tạo khối phồng to ở cửa mình gây đau tức, khó chịu, tiêu tiểu lắt nhắt hoặc khó hoặc thậm chí sa ra hẳn khỏi cửa mình người phụ nữ gây mặc cảm với bạn đời, đau đớn, trợt loét, chảy máu, nhiễm trùng, ứ nước trên thận gây suy thận.

Theo thống kê, khoảng 30% phụ nữ gặp tình trạng són tiểu khi mang thai, sau đó sẽ thuyên giảm tự nhiên trong vòng 3 tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu những phụ nữ này không chủ động khám, chăm sóc sàn chậu sớm sau sinh thì sau một năm, các triệu chứng rối loạn đi tiểu sẽ quay trở lại. Hiện tại, cứ 3 phụ nữ đã từng sinh thì có 1 người bị són tiểu và sau 5 năm thì 90% trong số họ sẽ thành bệnh lý són tiểu thực sự.

Bên cạnh đó, đến 50 tuổi sẽ có 50% phụ nữ bị sa ít nhất 1 cơ quan vùng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng, và 70% phụ nữ trong số này bị sa phối hợp từ 2 cơ quan trở lên khiến cho việc điều trị triệt để rất tốn kém và khó khăn gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, chất lượng cuộc sống, gây mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp và công việc của người bệnh.

Ai cần khám sàn chậu trong thai kỳ?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bệnh lý sàn chậu nữ sẽ dễ dàng phòng ngừa và khắc phục hơn nếu mọi người nhận thấy được tầm quan trọng của việc khám sàn chậu. Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, những phụ nữ có những đặc điểm sau đây nên chủ động đi khám sàn chậu trong thai kỳ:

  • Sản phụ có tiền sử mang thai lần trước bị són tiểu, sinh con to > 3500g hoặc rách tầng sinh môn nhiều.
  • Mang thai con lần thứ 3
  • Mang song thai, tam thai
  • Tăng cân nhanh, > 3kg mỗi tháng
  • Ước lượng thai lần này sinh ra > 3500g
  • Có triệu chứng của bệnh sàn chậu: sa tử cung khi mang thai hoặc sau sinh, són tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu khó hoặc bí tiểu, són hơi, đi đại tiện gấp, hoặc són phân, táo bón, đau khớp vệ, đau lưng.

Quá trình mang thai và sinh nở đều có tác động tổn thương lên sàn chậu nên theo khuyến cáo hiện nay tất cả phụ nữ sau sinh (dù sinh ngả âm đạo hay sinh mổ) cũng cần được khám đánh giá chức năng sàn chậu ít nhất 1 lần bởi bác sĩ chuyên khoa sàn chậu.

Việc thăm khám sàn chậu sau sinh có thể trong vòng 2-3 ngày sau sinh (trước khi xuất viện) đặc biệt ngay sau các cuộc sinh khó, sinh dụng cụ (kềm, giác hút), sinh con to ngả âm đạo hoặc thời điểm 1 tháng, 3 tháng sau sinh.

Nhằm xua tan nỗi lo “thầm kín” khiến chị em mất tự tin trong sinh hoạt hằng ngày, Bệnh viện Bình Định triển khai phòng khám và điều trị bệnh lý rối loạn sàn chậu nữ. Chương trình do đội ngũ bác sĩ Sản phụ khoa, Tiết niệu cùng khoa Phục hồi chức năng thực hiện, được dẫn dắt bởi Tiến sĩ bác sĩ Lê Quang Thanh – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.

Tại bệnh viện, chúng tôi có các biện pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa phù hợp với tình trạng mỗi người bệnh. Ở giai đoạn sớm, khi các cơ quan vùng chậu bị sa ít, phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn bằng các bài tập vật lý trị liệu, hướng dẫn thay đổi hành vi lối sống, đặt vòng nâng tử cung – Pessary… Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân cần phẫu thuật để củng cố và tăng sức kéo của hệ thống dây chằng vùng chậu. Với sự tham gia của các chuyên gia Sàn chậu đến từ TP. Hồ Chí Minh, phương pháp phẫu thuật nội soi treo tử cung sẽ cải thiện đáng kể tình trạng của người bệnh cả về tiên lượng gần và xa so với các kỹ thuật mổ truyền thống đang được thực hiện.

 

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.