TẠI SAO NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ LÀ TỐT NHẤT?

Share :

Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dưỡng chất cần thiết cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Đặc điểm sữa mẹ
Sữa mẹ được tiết ra tự nhiên theo phản xạ tạo sữa. Quá trình tạo sữa có thể bắt đầu khoảng từ tháng thứ 7 của thai kỳ. Sữa được tiết ra trong 3 ngày đầu sau sinh được gọi là sữa non. Trẻ càng bú mẹ sớm càng tốt ,khuyến khích trong vòng 60 phút sau sinh. Động tác mút của con giúp kích thích sữa mẹ về nhanh và nhiều hơn. Sữa non rất quý, chứa nhiều đạm và năng lượng hơn sữa trưởng thành. Vì vậy, trẻ dù bú được lượng ít vẫn đảm bảo năng lượng trong những ngày đầu đời.
Sau 3-4 ngày, sữa non chuyển thành sữa trưởng thành với mức năng lượng tầm 68kcal/100ml. Khi một lượng sữa lớn chứa trong vú, chất ức chế tạo sữa được tiết ra ngưng sự tiết sữa. Do đó, cho con bú trực tiếp hoặc vắt, hút sữa ra sau mỗi cữ bú giúp sữa về ngày càng nhiều hơn.
Trong 1 cữ bú của trẻ, thành phần dưỡng chất trong sữa cũng có sự thay đổi. Sữa đầu bữa lúc bắt đầu cữ bú thường trắng trong, cung cấp nhiều đạm, đường, nước và chất dinh dưỡng. Càng về cuối cữ bú, sữa có màu trắng đục hơn, chứa nhiều chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ. Vì vậy, người mẹ nên cho trẻ bú hết một bên vú trước khi đổi sang bên còn lại để trẻ được hưởng tối đa các dưỡng chất từ sữa mẹ.
Sữa mẹ có lợi cho sự phát triển tối ưu ở trẻ

 

Hình 1. Nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn thức ăn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu đời. Tỉ lệ các thành phần trong sữa mẹ phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển của em bé. Đặc biệt, sữa mẹ chứa thành phần đạm whey cao, dễ tiêu hóa hơn so với các loại sữa khác. Trẻ em bú mẹ nhận được rất nhiều lợi ích:
● Hàm lượng dinh dưỡng vừa phải, phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của trẻ qua từng giai đoạn phát triển. Các dưỡng chất trong sữa mẹ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và ít có nguy cơ gây dị ứng cho trẻ. Lượng sữa mẹ tăng dần phù hợp với sự tăng trưởng thể tích dạ dày em bé.

● Nâng cao sức đề kháng và miễn dịch. Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, chứa nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp trẻ có thêm sức mạnh chống đỡ các yếu tố gây bất lợi ở bên ngoài xâm nhập. Nhờ đó, trẻ bú mẹ thường ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa hơn.
● Giảm nguy cơ thừa cân, béo phì khi lớn lên. Sữa mẹ có hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với trẻ và chứa các hormon giúp trẻ kiểm soát lượng bú theo nhu cầu của mình.
● Tăng cường gắn kết mẹ con. Em bé được mẹ cho bú, ôm ấp, dỗ dành sẽ cảm nhận được tình thương từ mẹ, giúp trẻ phát triển hoàn thiện hơn về mặt tâm thần.
Cho con bú giúp mẹ hồi phục tốt sau sinh
Không chỉ mang lại lợi ích cho em bé, cho con bú còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời với sự hồi phục của mẹ sau thai kỳ.
● Giảm chảy máu sau sinh: động tác bú của đứa trẻ kích thích tử cung người mẹ co hồi và cầm máu tốt hơn sau sinh.
● Khi cho con bú, người mẹ không có kinh nguyệt trong vòng 6-8 tháng đầu sau sinh. Đây cũng là một phương pháp giúp mẹ tránh thai, tránh sinh quá dày. Tuy nhiên, phương pháp này chưa tối ưu, cần kết hợp thêm một biện pháp khác (ví dụ: bao cao su,..) để đảm bảo hiệu quả tránh thai sau sinh.
● Phụ nữ cho con bú sẽ ít nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng hơn những người không có con, không cho con bú.
● Giúp mẹ nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh. Hoạt động tạo sữa tiêu tốn năng lượng mỗi ngày, kết hợp với chế độ ăn lành mạnh phù hợp giúp mẹ giảm cân tự nhiên, an toàn.
● Lợi ích kinh tế cao, tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Tư thế ngậm bắt vú
Để giúp trẻ ngậm bắt vú đúng cách, mẹ cần lưu ý cho trẻ bú ở tư thế đúng:
Việc cho con bú đúng tư thế sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Con sẽ thuận lợi nhận được lượng sữa đầy đủ, phát triển tốt. Khi bú, nếu trẻ chỉ ngậm được phần núm sẽ nhận được rất ít sữa và gây đau đầu vú cho mẹ. Trẻ cần ngậm mút cả phần quầng vú để cữ bú đạt hiệu quả.

 


Hình 2. Tư thế ngậm bắt vú đúng – Nguồn: BV Từ Dũ

Khi cho con bú, mẹ có thể nằm hoặc ngồi, đảm bảo mẹ và bé đều ở tư thế thoải mái dễ chịu, tay mẹ giữ phần cổ sao cho đầu và thân trẻ trên cùng đường thẳng. Điều quan trọng của tư thế cho bú chính là “bụng con chạm bụng mẹ”, mặt em bé quay vào vú mẹ. Ở tư thế này, trẻ dễ dàng bắt được vú hơn.

Những điều cần lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ
Điều khiến mẹ lo lắng nhất khi mới sinh chính là mình chưa về sữa, sữa mẹ không đủ cho con bú. Những lúc này, mẹ cần nghỉ ngơi và thư giãn tối đa. Quá lo lắng, căng thẳng sẽ tạo tác động ức chế, khiến sữa lâu về. Việc tích cực cho con bú mút sẽ giúp tăng kích thích tạo sữa mẹ nhiều hơn.
Sau khi cho con bú, cần vỗ ợ cho con trước khi đặt con nằm ngủ. Khi bé đang nằm mà có hiện tượng trớ sữa, hãy đặt con nằm nghiêng một bên, làm sạch những chất còn đọng trong miệng bé để tránh hít sặc.
Không phải lúc nào con khóc cũng do đói. Sau một cữ bú hiệu quả bé sẽ ngủ được tầm 2 – 3 giờ. Bên cạnh đòi sữa, con khóc do rất nhiều nguyên nhân như bỉm ướt, nóng nực, tư thế nằm không thoải mái hay đơn giản là con nhớ sự vỗ về rồi đấy ba mẹ ơi!

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.