TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC RỬA TAY VÀ HƯỚNG DẪN VỆ SINH TAY ĐÚNG CÁCH

Share :

Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay (VST) từ lâu luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, không chỉ trong chăm sóc người bệnh mà ngay cả ở cộng đồng khi đang phải đối mặt với nhiều bệnh dịch nguy hiểm xảy ra trên diện rộng như dịch tả, cúm A (H5N1, H1N1), v.v.

Hình ảnh cấy vi sinh bàn tay không được vệ sinh tay

Bằng chứng khoa học liên quan tới tầm quan trọng của việc rửa tay:

  • Vi khuẩn trên da bàn tay làm 2 nhóm: Vi khuẩn vãng lai và vi khuẩn định cư

+ Vi khuẩn định cư: Phổ vi khuẩn định cư thường cư trú ở lớp sâu của biểu bì da. VST thường quy không loại bỏ được các vi khuẩn này khỏi bàn tay nhưng VST thường xuyên có thể làm giảm mức độ định cư của vi khuẩn trên tay.

+ Vi khuẩn vãng lai là thủ phạm chính gây nhiễm khuẩn bệnh viện, tuy nhiên phổ vi khuẩn này có thể loại bỏ dễ dàng bằng VST thường quy. Do vậy, VST trước và sau tiếp xúc với mỗi người bệnh là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. [1]

  • Bàn tay là phương tiện trung gian làm lan truyền tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện và các tác nhân gây bệnh kháng kháng sinh. Bàn tay dễ dàng bị ô nhễm khi chăm sóc và điều trị người bệnh vì các vi khuẩn cư trú ở lướp sâu của da và xung quanh móng tay. Nhân viên y tế hàng ngày dùng bàn tay là công cụ để khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh, do đó bàn tay của nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với da, máu, dịch tiết sinh học, dịch tiết của người bệnh. Các vi khuẩn gây bệnh từ bệnh nhân truyền qua tay của nhân viên y tế, làm cho bàn tay của nhân viên y tế là nguồn chứa các vi khuẩn gây bệnh tiềm năng. 5 bước bàn tay phát tán mầm bệnh:

+ Mầm bệnh định cư trên da người bệnh và bề mặt các đồ vật

+ Mầm bệnh bám vào da tay của nhân viên y tế

+ Mầm bệnh sống trên da tay

+ Vệ sinh tay ít dẫn đến da tay nhiễm khuẩn

+ Da tay nhiễm khuẩn phát tán mầm bệnh sang người bệnh, đồ vật [2]

VST giúp loại bỏ VSV có ở bàn tay. Theo Rotter (1999), VST bằng nước và xà phòng thường trong 30 giây loại bỏ được 1,8 – 2,8 log vi khuẩn ở bàn tay. Hiệu quả loại bỏ VSV trên bàn tay của thực hành VST phụ thuộc vào một số yếu tố sau:

  • Kỹ thuật vệ sinh tay: VST không đúng quy trình sẽ không loại bỏ hết được VSV trên tay. Một số vị trí như đầu ngón tay, kẽ móng tay, kẽ ngón tay, mu ngón cái và mu bàn tay là những vùng NVYT thường bỏ quên không chà tay, do vậy đã không được tiếp xúc với hóa chất VST và VSV không được loại bỏ ở những nơi này. VST đúng quy trình giúp loại bỏ VSV ở bàn tay hiệu quả hơn. Nghiên cứu tại bệnh viện Bạch Mai (2007) cho thấy số lượng VSV ở tay NVYT thực hiện đúng kỹ thuật VST (0,2 log), thấp hơn so với NVYT thực hiện VST không đúng kỹ thuật (1,0 log).
  • Thời gian vệ sinh tay: Thời gian VST ảnh hưởng tới mức độ loại bỏ vi khuẩn trên bàn tay. VST bằng nước và xà phòng thường trong 15 giây, lượng vi khuẩn giảm 0,6 log – 1,1 log, trong 30 giây lượng vi khuẩn giảm 1,8 log- 2,8 log. Lượng vi khuẩn ở bàn tay giảm 3,5 log khi chà tay bằng dung dịch VST chứa cồn trong 30 giây; giảm 4 log – 5 log nếu chà tay trong 1 phút. Thực tế nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng vi khuẩn ở 5 đầu ngón tay NVYT sau VST ≥ 20 giây (0,7 log), giảm hơn nhóm VST < 20 giây (1,1 log). Theo các khuyến cáo hiện nay, thời gian chà tay với hóa chất trong VST thường quy là 20 giây – 30 giây.
  • Hóa chất vệ sinh tay: Hiện nay có nhiều loại hóa chất VST có hiệu lực diệt khuẩn tốt đang được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế. Xét về mức độ loại bỏ VSV ở bàn tay, xà phòng thường là một hóa chất tốt; xà phòng khử khuẩn tốt hơn xà phòng thường và tốt nhất là chế phẩm VST chứa cồn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến khích NVYT khử khuẩn tay bằng dung dịch VST chứa cồn trong 20 giây – 30 giây với hầu hết thao tác chăm sóc, điều trị NB.
  • Mang đồ trang sức và móng tay giả: Vùng da ngón tay dưới chỗ mang nhẫn chứa nhiều VSV gây bệnh hơn vùng da không mang nhẫn. Mang nhẫn là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng mang trực khuẩn gram (-) và tụ cầu vàng. Số lượng vi khuẩn phân lập được trên tay phụ thuộc vào số lượng nhẫn mang trên tay. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy kẽ móng tay là nơi chứa nhiều VSV nhất trên bàn tay. Các hướng dẫn thực hành VST hiện nay khuyến cáo NVYT không để móng tay dài, không mang móng tay giả khi chăm sóc NB; không mang nhẫn và các đồ trang sức khác khi VST, đặc biệt khi VST ngoại khoa.

VST có tác dụng ngăn ngừa lan truyền tác nhân nhiễm khuẩn từ người bệnh này sang người bệnh khác, từ người bệnh sang dụng cụ và nhân viên y tế, từ vị trí này sang vị trí khác trên cùng một người bệnh và từ nhân viên y tế sang người bệnh. VST là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, đồng thời cũng là biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong thực hành chăm sóc và điều trị người bệnh. [1]

Cần thực hiện vệ sinh tay theo kỹ thuật 6 bước [1]:

+ Bước 1: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

+ Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.

+ Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.

+ Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).

+ Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).

+ Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại.

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.