Thuốc Amikacin

Share :

1. Giới thiệu tổng quát: 

– Amikacin là kháng sinh bán tổng hợp họ aminoglycoside, có tác dụng chống nhiễm khuẩn hô hấp, hệ tiết niệu, phụ khoa,… Amikacin ít hấp thu đường tiêu hóa, nên thường được sử dụng đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

2. Dạng thuốc, hàm lượng: 

– Dung dịch tiêm amikacin sulfat (có sulfit để bảo quản): 1 ml chứa 50 mg (dùng cho trẻ em) và 250 mg amikacin base.

Bột amikacin sulfat để pha tiêm (không có sulfit): Lọ 250 mg hoặc 500 mg bột (tính theo amikacin base) kèm theo tương ứng 2 ml hoặc 4 ml dung môi (nước để pha thuốc tiêm).

3. Chỉ định:

– Amikacin được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn nặng/đe doạ tính mạng, đặc biệt chưa biết nguyên nhân hoặc nhiễm khuẩn máu nghi do trực khuẩn Gram âm

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp
  • Điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng.
  • Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu do vi khuẩn gram âm.
  • Điều trị các bệnh lý phụ khoa.
  • Điều trị nhiễm trùng cơ xương khớp.
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và cấu trúc da.
  • Điều trị trong trường hợp nhiễm khuẩn huyết.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Amikacin để điều trị các bệnh lý khác. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ và làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

4. Chống chỉ định: 

– Quá mẫn với các aminoglycoside, bị dị ứng với amikacin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Bệnh nhược cơ.

5. Liều dùng, cách dùng:

a. Cách dùng:

Amikacin sulfat dùng tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Ðể truyền tĩnh mạch, đối với người lớn, pha 500 mg amikacin vào 100 – 200 ml dịch truyền thông thường như dung dịch natri clorid 0,9% hoặc dextrose 5%. Liều thích hợp amikacin phải truyền trong 30 – 60 phút.

– Ðối với trẻ em, thể tích dịch truyền phụ thuộc vào nhu cầu người bệnh, nhưng phải đủ để có thể truyền trong 1 – 2 giờ ở trẻ nhỏ, hoặc 30 – 60 phút ở trẻ lớn

b. Liều lượng:

– Liều amikacin sulfat được tính theo amikacin và giống nhau khi tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Liều lượng phải dựa vào cân nặng lý tưởng tính theo chiều cao.

Liều thông thường đối với người lớn và trẻ lớn tuổi, có chức năng thận bình thường là 15 mg/kg/ngày, chia làm các liều bằng nhau để tiêm cách 8 hoặc 12 giờ/lần. Liều hàng ngày không được vượt quá 15 mg/kg hoặc 1,5 g. Điều trị không nên kéo dài quá 7 – 10 ngày và tổng liều ở người lớn không được vượt quá 15 g. Cần tránh nồng độ đỉnh trong huyết tương lớn hơn 30 – 35 microgam/ml và nồng độ đáy trong huyết tương lớn hơn 5 – 10 microgam/ml. Trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non: Liều nạp đầu tiên 10 mg/kg, tiếp theo là 7,5 mg/kg cách nhau 12 giờ/lần. Hiện nay có chứng cứ là tiêm kháng sinh nhóm aminoglycosid 1 lần/ngày, ít nhất cũng tác dụng bằng và có thể ít độc hơn khi liều được tiêm làm nhiều lần trong ngày. Tiêm amikacin ngày 1 lần thuận tiện hơn, cho nồng độ thuốc thỏa đáng trong huyết thanh, và trong nhiều trường hợp đã thay thế hẳn phác đồ tiêm nhiều lần hàng ngày (tiêm làm 2 – 3 lần trong 24 giờ). Hiện nay chưa có đủ chứng cứ để khuyến cáo dùng liều cao, tiêm 1 lần/ngày cho người mang thai.

Ở người có tổn thương thận, nhất thiết phải định lượng nồng độ amikacin huyết thanh, phải theo dõi kỹ chức năng thận và phải điều chỉnh liều.

Quá liều và xử trí:

 – Khi gặp quá liều hoặc có phản ứng độc, có thể chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân màng bụng để đẩy nhanh quá trình thải trừ amikacin. Ở trẻ sơ sinh, có thể thay máu.

  1 số hình ảnh chế phẩm thuốc Amikacin dạng tiêm:

6. Tương tác thuốc: 

Dùng đồng thời hoặc nối tiếp amikacin với các tác nhân gây độc với thận hoặc thính giác khác có thể làm tăng độc tính nguy hiểm của aminoglycosid. Dùng amikacin với các thuốc phong bế thần kinh cơ, có thể tăng nguy cơ gây chẹn thần kinh cơ dẫn đến liệt hô hấp. Amikacin có thể làm tăng tác dụng thuốc giãn cơ cura và thuốc gây mê. Amikacin còn có thể tương tác với một số thuốc khác như các penicilin hoạt phổ rộng, furosemid, bumetanid, hoặc indomethacin.

7. Thận trọng: 

– Phải dùng amikacin thận trọng, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ, vì có nguy cơ cao độc cho tai và cho thận. Phải giám sát chức năng thính giác và chức năng thận. Tránh dùng thuốc kéo dài và/hoặc lặp lại. Cần phải tránh dùng đồng thời hoặc nối tiếp với các thuốc khác có độc tính cho thính giác hoặc thận (cả dùng toàn thân và tại chỗ). Không dùng quá liều khuyến cáo. Nhất thiết phải định lượng nồng độ thuốc trong huyết thanh khi dùng cho người bị tổn thương thận. Khi người bệnh uống nhiều nước và có chức năng thận bình thường thì ít nguy cơ nhiễm độc thận, nếu không vượt quá liều khuyến cáo. Việc kiểm tra chức năng thận trong quá trình điều trị bằng aminoglycosid ở người bệnh cao tuổi có suy giảm chức năng thận là đặc biệt quan trọng. Phải dùng thận trọng amikacin với các người bệnh rối loạn hoạt động cơ, như nhược cơ hoặc Parkinson, vì thuốc này làm yếu cơ trầm trọng, do tác dụng kiểu cura của thuốc lên liên kết thần kinh cơ. Giống các kháng sinh khác, dùng amikacin có thể gây tăng sinh các vi sinh vật không nhạy cảm. Nếu xuất hiện điều đó, phải tiến hành điều trị thích hợp

  • Thời kỳ mang thai:

– Aminoglycosid có thể gây hại cho thai nhi khi dùng cho người mang thai. Nếu dùng amikacin trong khi mang thai hoặc bắt đầu có thai trong khi đang dùng thuốc, người bệnh phải được thông báo là có khả năng nguy hiểm cho thai nhi, kể cả hội chứng nhược cơ. Vì vậy, việc dùng thuốc an toàn cho người mang thai chưa được xác định.

  • Thời kỳ cho con bú:

– Amikacin khuếch tán rất ít vào sữa mẹ. Không biết rõ amikacin có đào thải vào trong sữa hay không. Theo nguyên tắc chung, không cho con bú khi dùng thuốc, vì nhiều thuốc được tiết vào sữa.

  • Tác dụng không mong muốn (ADR):

– ADR phụ thuộc vào liều dùng. Thường gặp, ADR >1/100 Toàn thân: Chóng mặt. Tiết niệu: Protein niệu, tăng creatinin và tăng urê máu. Thính giác: Giảm khả năng nghe, độc với hệ tiền đình như buồn nôn và mất thăng bằng. Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/1 000 Toàn thân: Nhức đầu. Máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Tuần hoàn: Tăng huyết áp. Thần kinh: Dị cảm, run, nhược cơ, liệt. Các cơ quan khác: Đau khớp. Tai: Điếc.

  • Hướng dẫn cách xử trí tác dụng không mong muốn (ADR):

– Các thuốc lợi tiểu tác dụng nhanh như furosemid tăng nguy cơ độc với thính giác và thận. Nếu người bệnh trước đó đã điều trị với các thuốc có nguy cơ độc với tai hoặc thận như các aminoglycosid khác thì phải chú ý đến sự nguy hiểm do tích lũy thuốc. Một số chế phẩm có chứa natri sulfit (chất ổn định) có thể gây dị ứng mạnh, đặc biệt với người có tiền sử hen. Khi suy thận, chỉ dùng amikacin khi thật cần và điều chỉnh liều theo sự thay đổi nồng độ creatinin máu hoặc độ thanh thải creatinin. Phải giám sát chức năng thận và thính giác. Cần phải kiểm tra nồng độ thuốc trong huyết thanh.

 7. Độ ổn định và bảo quản thuốc: 

– Bảo quản amikacin sulfat tiêm ở nhiệt độ 15 – 30 oC, tránh đông lạnh. Nếu giữ ở nhiệt độ phòng, bảo quản được ít nhất 2 năm kể từ ngày sản xuất. Tránh ánh sáng.

Tương kỵ

– Không được trộn lẫn amikacin với các thuốc khác, đặc biệt là với kháng sinh nhóm beta-lactam.

Nguồn: Khoa Dược – Bệnh viện Bình Định

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.