TIÊU CHẢY Ở TRẺ EM : NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Share :

Thời tiết năng nóng, số lượng lượng bé đến khám vì TIÊU CHẢY – SỐT – ÓI tăng cao, làm ba mẹ dễ nhầm tưởng với ngộ độc thức ăn. 

Bệnh tiêu chảy (hay còn gọi là viêm dạ dày ruột – Gastroenteritis) là tình trạng viêm của dạ dày ruột, thường được nhận biết bằng ba biểu hiện lâm sàng chính: tiêu chảy cấp, hội chứng lỵ và tiêu chảy kéo dài.

Hầu hết trẻ nhỏ đều mắc bệnh tiêu chảy ít nhất 2 lần trong 1 năm.

Tiêu chảy hiện vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu.

1- ĐỊNH NGHĨA VỀ TIÊU CHẢY

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu phân lỏng bất thường hay toàn nước từ 3 lần trở lên trong 24  giờ, trẻ có thể kèm theo biểu hiệu khác như sốt, ớn lạnh, nôn ói liên tục, đau bụng quặn.

Tiêu chảy cấp là khi tiêu chảy không quá 14 ngày. Tiêu chảy từ 14 ngày trở lên gọi là tiêu chảy kéo dài. Hội chứng lỵ là khi bệnh nhân đi tiêu phân lỏng kèm có máu trong phân.

2-  VÌ SAO TRẺ BỊ TIÊU CHẢY

Tại ruột có hai quá trình quan trọng giúp cho phân có hình dạng bình thường là quá trình hấp thu và bài tiết. Tại tế bào ruột, sự hấp thu vượt xa sự bài tiết về mặt số lượng nên nhìn chung chúng ta không bị tiêu chảy.

Chỉ cần mất cân bằng nhỏ trong 2 quá trình đối lập này là chúng ta có thể bị tiêu chảy.

Có 2 cơ chế chính: tiêu chảy thẩm thấu và tiêu chảy xuất tiết.

Trong tiêu chảy thẩm thấu, niêm mạc ruột không thể hấp thu một hay nhiều dưỡng chất nào đó ( ví dụ: uống một lượng lớn sữa chứa nhiều đường lactose cùng một lúc trên những người bị bất dung nạp lactose)

Trong tiêu chảy xuất tiết, có thể là hậu quả của nhiều yếu tố nhưng thường là nhiễm trùng, tác nhân gây bệnh đường ruột sẽ bám dính hoặc xâm nhập vào tế bào biểu mô. Điều này sẽ kích hoạt nhiều phản ứng ở niêm mạc ruột, hậu quả kéo theo sự di chuyển của nước vào lòng ruột nhằm loại bỏ tác nhân nhiễm trùng.

3- NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU CHẢY

Về nguyên nhân gây tiêu chảy có thể chia làm 2 nhóm lớn: nhiễm trùng và không nhiễm trùng, trong đó nhóm nhiễm trùng chiếm đa số. Nguyên nhân nhiễm trùng do các tác nhân: virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

Đặc biệt mùa nắng nóng trẻ em dễ bị tiêu chảy do nguyên nhân vi khuẩn hơn virus.

Điều kiện lây nhiễm tiêu chảy có thể qua thức ăn (sữa chưa được tiệt trùng, thịt, trứng chưa được nấu chín hoặc trái cây, rau củ quả có vi khuẩn); hoặc qua tiếp xúc với mầm bệnh ( trẻ khác hoặc nhân viên trong nhà giữ trẻ, vật nuôi gia cầm đang bị tiêu chảy, bơi hoặc uống nước không sạch); hoặc do trẻ có sử dụng kháng sinh gần đây; trẻ bị suy giảm miễn dịch…

4- NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ

  • Điều trị tình trạng bệnh nặng hay khẩn cấp nếu có
  • Bù lại lượng nước đã mất nếu có
  • Điều trị duy trì lượng nước tiếp tục mất trong thời gian tới
  • Điều chỉnh các rối loạn điện giải toan kiềm nếu có
  • Bổ sung kẽm
  • Dinh dưỡng hợp lý
  • Điều trị tác nhân nếu có chỉ định: kháng sinh phù hợp
  • Phòng ngừa lây lan.

5- KHI NÀO TRẺ CẦN ĐI KHÁM NGAY

Nên cho trẻ mắc bệnh tiêu chảy  đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu

– Dấu hiệu nặng toàn thân: Ngủ li bì, quấy khóc liên tục không thể dỗ được, môi khô, tái nhợt…

– Dấu hiệu mất nước: đi tiểu ít, trẻ khát nước trầm trọng, mắt trũng, thóp lõm…

– Đi cầu phân tóe nước liên tục, có máu trong phân, phân bất thường

– Nôn ói liên tục: nôn tất cả mọi thứ hoặc nôn > 4 lần/ giờ

– Chướng bụng, đau bụng nhiều

– Sốt cao liên tục

 

6- PHÒNG NGỪA TIÊU CHẢY

  • Bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng và tiếp tục cho đến 24 tháng
  • Ăn dặm đúng cách: nên bắt đầu khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, ăn dặm hợp lý, hợp vệ sinh, sinh lý của trẻ và đầy đủ 4 nhóm chất.
  • Cung cấp đầy đủ vitamin A cũng là một biện pháp giúp giảm nguy cơ tiêu chảy nặng
  • Vaccin: hiện đã có vaccin ngừa tiêu chảy do Rotavirrus – tác nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng ở trẻ em.
  • Cải thiện nguồn nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh tay đúng cách.

Tiêu chảy ở trẻ em không đáng lo ngại nếu bố mẹ phát hiện tình trạng bệnh kịp thời và có hướng xử lý đúng đắn. Quan trọng là bạn cần theo dõi sát sao các triệu chứng, xây dựng cho trẻ thực đơn phù hợp và đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi dấu hiệu bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Nguồn : Khoa Nhi – Bệnh viện Bình Định

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.