U XƠ TỬ CUNG

Share :

U xơ tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, nó phát sinh từ lớp cơ tử cung và có thể từ mô liên kết bên trong tử cung. Bình thường tử cung có hình bầu dục, kích thước cỡ bằng trái chanh hoặc to hơn một chút và nằm ở vị trí tiểu khung của người phụ nữ. Tử cung là nơi để niêm mạc tử cung bong ra dưới sự điều tiết của nội tiết buồng trứng (Estrogen và Progesterone) và tạo nên chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Tử cung cũng là nơi trứng sau khi được thụ tinh sẽ đến làm tổ và phát triển thành em bé cho đến khi em bé chào đời

1. U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung hay còn gọi tên khác là nhân xơ tử cung, là một bệnh lý lành tính của tử cung. U xơ chỉ có thể đơn thuần chỉ là một nhân xơ hoặc nhiều nhân xơ (đa nhân xơ tử cung).

Khi phát hiện u xơ tử cung, bác sĩ thường quan tâm đến vị trí, kích thước và số lượng khối u trên tử cung cũng như những triệu chứng bệnh gây ra. Khối u xơ có thể rất nhỏ chỉ vài milimet đến 20 centimet. Để dễ hiểu, chúng ta hình dung khối u xơ có thể phát tiển to bằng quả dưa hấu hoặc ngang bằng tử cung của bà mẹ mang thai gần đủ tháng. Khối u có thể xuất hiện bên trong lớp cơ tử cung, có thể bên trên bề mặt tử cung hoặc có thể ở gần ngay vị trí tiếp giáp niêm mạc tử cung và lớp cơ tử cung.

Theo thời gian, kích thước khối u sẽ to dần lên nhưng rất chậm. Khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, kích thước khối u sẽ có xu hướng nhỏ dần đi. Tuy nhiên, nếu qua thăm khám phát hiện khối u to lên nhanh bất thường thì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý ác tính.

2. U xơ tử cung có phổ biến hay không?

Người ta ước tính rằng, khoảng 40 đến 80 % phụ nữ có thể bị mắc bệnh lý u xơ tử cung ít nhất một lần trong cuộc đời. Tuy nhiên, hầu hết chị em phụ nữ không nhận thấy có triệu chứng nghi ngờ nào. Điều này xảy ra khi khối nhân xơ nhỏ hoặc rất nhỏ, và chúng không gây ra rối loạn kinh nguyệt hay bất kỳ triệu chứng khó chịu nào. Đa số phụ nữ phát hiện mình bị nhân xơ tử cung khi khám vì một bệnh lý khác hoặc thông qua cuộc thăm khám sức khỏe thông thường.

3. Đối tượng phụ nữ nào dễ mắc bệnh?

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý u xơ tử cung cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ nguyên nhân nào cụ thể. Một số phụ nữ có các yếu tố dưới đây được cho là có nguy cơ mắc bệnh:

  • Béo phì hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng hơn bình thường.
  • Có yếu tố gia đình: Nếu gia đình có thành viên bị u xơ tử cung thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu người mẹ bị u xơ tử cung, nguy cơ mắc phải của con gái sẽ cao hơn 3 lần so với mức trung bình.
  • Không có thai trong độ tuổi sinh sản: Người ta thấy người phụ nữ không lập gia đinh hoặc đã lập gia đình mà không có con thì nguy cơ bị u xơ tử cung gấp 5-6 lần so với người phụ nữ có ít nhất một lần mang thai
  • Dậy thì sớm hoặc tuổi mãn kinh quá trễ (trên 56-57 tuổi): Điều này đến nay vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân

4. U xơ tử cung có nguy hiểm không?

U xơ tử cung có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe của bạn. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài, bạn có thể bị thiếu máu, rất nguy hiểm. Một biến chứng khác nguy hiểm nhưng hiếm gặp hơn là các khối u xơ lớn có thể đè lên bàng quang và niệu quản, áp lực này có thể dẫn đến tổn thương thận. Các biến chứng khác (nguy hiểm nhưng ít gặp hơn) bao gồm vô sinh và sảy thai nhiều lần.Ung thư tử cung có thể xảy ra nhưng rất hiếm.

5. U xơ tử cung có nguy cơ phát triển thành ung thư hay không?

Rất hiếm khi khối u xơ tử cung tiến triển thành ung thư tử cung. Người ta ước lượng rằng khoảng 350 phụ nữ bị u xơ tử cung thì có 01 phụ nữ trong số đó tiến triển thành ung thư tử cung. Hiện nay cũng chưa có phương pháp nào để có thể tiên đoán chắc chắn tình trạng ung thư tử cung có liên hệ mật thiết vời tình trạng u xơ tử cung trước đó hay không. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhận thấy khối u xơ phát trển quá nhanh, hoặc khối u xơ xuất hiện trong thời kỳ phụ nữ đã mãn kinh, thì cần phải đề phòng nguy cơ ung thư và nên tiến hành các biện pháp chẩn đoán kịp thời.

6. Khi nào thì người phụ nữ nghi ngờ mình bị bênh lý u xơ tử cung?

Hầu hết u xơ tử cung có kích thước nhỏ không gây ra triệu chứng khó chịu nào cả và cũng chưa cần sử dụng biện pháp can thiệp (dùng thuốc hay phẫu thuật) gì cả. Khi chị em phụ nữ nếu có một trong các triệu chứng dưới đây thì  nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt:

  • Ra máu nhiều hoặc đau bụng kinh trong thời gian có kinh nguyệt
  • Cháy máu bất thường không trùng với ngày có kinh
  • Cảm giác đau trằn bụng hay nặng vùng bụng dưới
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày (xảy ra khi khối u xơ lớn đè vào bàng quang và gây ra tiểu nhiều lần)
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau lưng không rõ lý do
  • Bị táo bón thường xuyên
  • Ra chất nhầy hay khí hư âm đạo thường xuyên
  • Đi tiểu mà cảm giác không hết nước tiểu trong bàng quang
  • Bụng to bất thường trong giống như người đang mang thai

7. Phương pháp chẩn đoán

Nhân xơ tử cung thông thường được phát hiện khi khám sức khỏe hay đi siêu âm bụng tổng quát một cách tình cờ. Bác sĩ có thể sờ thấy một cục cứng ở vùng bụng hoặc thông qua một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện khối u xơ.

  • Siêu âm: Siêu âm là phương pháp chẩn đoán u xơ tử cung được sử dụng phổ biến nhất. Hầu hết các khối u được phát hiện thông qua siêu âm tử cung và phần phụ qua ổ bụng. Trước khi siêu âm, chị em cần nhịn tiểu để làm đầy bàng quang, lúc này bác sĩ sẽ đánh giá tổn thương một cách chính xác hơn. Bên cạnh đó một số trường hợp khối u xơ nằm ở dưới niêm mạc cần được siêu âm bằng đầu dò âm đạo
  • Chụp cắt lớp vi tinh (CT scanner): Chụp CT giúp bác sỹ kiểm tra và đánh giá đặc điểm của khối u tốt hơn. Với phương pháp này có thể cung cấp cho bác sĩ về kích thước, số lượng và vị trí của các khối u xơ. Chúng ta cũng có thể phân biệt giữa u xơ và u tuyến, cũng như phân biệt với các bệnh lý ác tính khác của tử cung.

8. Phương pháp điều trị

Điều trị u xơ tử cung có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u xơ, cũng như những triệu chứng mà phụ nữ đang có (rong kinh, thiếu máu…). Nếu bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào do u xơ ở tử cung, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ nên coi nó như một phần bình thường trong cơ thể mình.

Ở những người tiền mãn kinh/mãn kinh thông thường khối u sẽ không gây triệu chứng cũng không cần điều trị vì sau khi mãn kinh, khối u sẽ nhỏ đi.

Như vậy, bạn cần được theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u theo thời gian. Bác sĩ có thể đề nghị khám phụ khoa và siêu âm định kỳ tùy thuộc vào kích thước hoặc các triệu chứng của khối u xơ. Kế hoạch điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Số lượng u xơ ở tử cung đang tồn tại;
  • Kích thước nhân xơ tử cung;
  • Vị trí u xơ nằm ở đâu trong tử cung;
  • Những triệu chứng bạn đang gặp phải liên quan đến khối u xơ;
  • Mong muốn về việc mang thai của bạn trong thời gian tới hay không;
  • Mong muốn bảo tồn tử cung hay mổ cắt bỏ khối u vì sợ nguy cơ ác tính.

Chỉ định điều trị tùy thuộc vào nhiều yếu tố, các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay như: Điều trị nội khoa, điều trị can thiệp ít xâm lấn, dùng hormone hoặc phẫu thuật.

Điều trị: Có thể dùng thuốc được xem là phương pháp điều trị tạm thời và bệnh nhân phải uống thuốc thường xuyên trong một thời gian (tức là dùng hormone thường xuyên).

Phẫu thuật là phương pháp được áp dụng để điều trị triệt để khối u. Tuy nhiên, bác sỹ chắc chắn phải xem xét kỹ kích thước, vị trí, số lượng u xơ tử cung và cả ước muốn có thai trong tương lai của người phụ nữ đó để từ đó đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất

Với bệnh nhân bóc tách u, sau này vẫn có nguy cơ tái phát vì vẫn còn cơ tử cung. Khi đã phẫu thuật u xơ tử cung thì cơ hội mang thai lại cho phụ nữ là khá thấp, trừ những trường hợp bóc tách khối u nhưng vẫn bảo tồn được tử cung. Còn khi mổ gây biến dạng buồng tử cung thì phụ nữ giảm cơ hội có thai, hoặc trong trường hợp đã cắt toàn bộ tử cung thì chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng đi ít nhiều.

8. Cách phòng tránh nhân xơ tử cung

Nói chung, chúng ta không thể phòng tránh được bệnh u xơ tử cung vì hầu hết không rõ lý do. Bạn có thể chủ động giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì trọng lượng cơ thể và khám phụ khoa thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn nên áp dụng chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, tập luyện thể thao để nâng cao sức khoẻ góp phần giảm nguy cơ bị u xơ tử cung.Khi biết mình bị u xơ tử cung nhỏ, bạn cần đi khám bác sỹ sản phụ khoa để có kế hoạch theo dõi sự phát triển khối u một cách chặt chẽ

10. Nếu bị u xơ tử cung thì có thai được không?

Có, bạn có thể mang thai ngay cả khi bạn bị u xơ tử cung. Nếu bạn đã biết mình bị u xơ tử cung khi mang thai, bác sĩ của bạn sẽ trao đổi để lập kế hoạch theo dõi u xơ. Khi mang thai, lượng hormone do cơ thể tiết ra sẽ tăng. Những nội tiết tố này hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên, chúng cũng có thể khiến khối u xơ tử cung to ra. Khối u xơ lớn có thể gây biến dạng lòng tử cung và như vậy có thể làm thai nhi trong bụng mẹ nằm ở vị trí bất thường như: thai nhi nằm ngang hay nằm ngược, hoặc gây tình trạng đẻ non. Bạn cần phải khám thai thường xuyên để bác sỹ thông báo về tình trạng thai nhi của bạn có ổn định hay không, cần phải mổ lấy thai ra hay không và nên mở ở thời điểm thai bao nhiêu tuần.

11. Liệu u xơ tử cung có tự khỏi không?

U xơ có thể nhỏ lại ở một số phụ nữ sau khi mãn kinh. Điều này xảy ra do sự suy giảm nội tiết tố. Khi khối u xơ teo lại, các triệu chứng do u gây ra có thể biến mất. Các khối u xơ nhỏ có thể không cần điều trị nếu chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.

* Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã và đang điều trị cho các trường hợp u xơ tử cung rất thành công bằng thuốc nội tiết tố và bằng phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u một cách hữu hiệu nhất. Phẫu thuật có thể là mổ nội soi bóc u xơ, hoặc mổ hở để cắt bỏ toàn bộ khối u xơ tử cung đề phòng tái phát và loại bỏ tình trạng khối u xơ phát triển thành ác tính.

 Nguồn : Bs CKII Nguyễn Hữu Tiến – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Bình Định

 

 

 

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.