PHÒNG VÀ XỬ LÝ SẶC SỮA Ở TRẺ

Share :

Sặc sữa là hiện tượng sữa trào vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái có thể gây ngừng thở. Nguyên nhân thường là do cha mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú không đúng tư thế, cho bú khi trẻ đang khóc, đang ho, sữa mẹ xuống quá nhiều hoặc núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều, chảy mạnh làm trẻ không nuốt kịp. Vì vậy cần khẩn trương sơ cứu để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Nhận biết trẻ bị sặc sữa:

Khi trẻ đang bú, (hoặc sau bú) đột ngột ho mạnh, sặc sụa, tím tái, khóc thét. Phụ huynh có thể thấy sữa trào ra mũi, miệng của trẻ, trẻ bị hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng, lúc này phụ huynh nên nghĩ ngay đến tai nạn trẻ bị sặc sữa.

Sơ cứu đúng cách trẻ bị sặc sữa:

1. Khi phát hiện trẻ sặc, khó thở, tím tái, nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay.

2. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái liên tiếp vào lưng trẻ, ở vị trí giữa hai xương bả vai.

3. Sau đó lật trẻ lại quan sát. Nếu trẻ khóc được, hết tím tái, chuyển đến bệnh việc hoặc cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

4. Nếu trẻ vẫn còn tím tái, ấn ngực trẻ bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào nửa dưới xương ức, cụ thể là trên xương ức và dưới đường nối hai vú. Ấn mạnh xuống 5 cái liên tiếp, sau đó quan sát, nếu còn khó thở thì làm lại động tác 2. Làm 6 lần liên tiếp, kinh nghiệm cho thấy nếu làm đúng kỹ thuật, chỉ cần làm 1 – 2 lần là dị vật bị tống ra ngoài. Nếu trẻ hồng hào, chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

5. Dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau.

6. Trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở, cần nhanh chóng tiến hành thổi ngạt và ấn tim. Thổi ngạt bằng cách đề trẻ nằm ngửa, ngửa đầu trẻ ra nhằm làm cho đường thở thông thoáng. Sau khi hít một hơi thật sâu, người cấp cứu áp miệng luôn qua mũi + miệng trẻ thổi mạnh vào.

7. Ấn tim: dùng 2 ngón cái đặt chồng lên nhau, các ngón khác ôm ngực bé, đặt dưới đường nối hai vú. Ấn 100 lần/phút. Nếu kết hợp thổi ngạt và ấn tim, thực hiện 5 lần ấn tim + 1 lần thổi ngạt (trước đó đã thổi 2 cái). Vừa tiến hành thao tác, vừa chuyển bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Phòng ngừa sặc sữa ở bé:

Để phòng ngừa sặc sữa, cha mẹ hoặc người nuôi trẻ cần cho trẻ bú đúng tư thế (bú mẹ cũng như bú bình) và luôn đồng hành với trẻ cho đến khi trẻ kết thúc cữ bú. Đặc biệt, sau khi trẻ bú no không nên đặt trẻ nằm ngay xuống mà người mẹ nên bế trẻ lên, dùng tay vỗ nhẹ vào sau lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) để trẻ có thể “ợ hơi” sẽ tránh tình trạng trẻ nôn, trớ sữa có thể gây hít sặc vào phổi.

Nguồn: Bệnh viện Bình Định.

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.