1. Thoát vị bẹn là gì ?
Thoát vị bẹn là tình trạng một tạng trong bụng (mạc nối, ruột…) không còn nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn.
2. Triệu chứng của thoát vị bẹn ?
Người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như xuất hiện các khối phồng vùng bẹn, tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện và thường mất khi nằm. Cùng với đó, bạn có thể cảm thấy đau tức khi ho, tập thể dục hoặc cúi xuống; cảm giác nóng ran, đau nhói, cảm giác nặng hoặc đầy ở bẹn; sưng bìu ở nam giới.
3. Nguyên nhân thoát vị bẹn ?
- Nguyên nhân bẩm sinh
Bệnh thường xảy ra với trẻ từ khi mới sinh ra. Do bệnh lý ở ống phúc tinh mạc, ống hình thành túi thoát vị gián tiếp dẫn đến nguy cơ bị thoát vị bẹn cao hơn. Các bệnh lý liên quan đến bệnh như tràn dịch màng tinh hoàn, nang nước thừng tinh…
- Nguyên nhân do mắc phải
Nguyên nhân ở đây là do thành bụng suy yếu hay gặp ở những người già lớn tuổi dẫn đến thoát vị bẹn trực tiếp. Hoặc có thể do lao động quá sức, chấn thương vùng bẹn bìu… cũng làm suy yếu cơ thành bụng tạo điều kiện cho các tạng thoát vị xuống vùng bẹn bìu.
Ngoài ra, trong trường hợp áp lực ổ bụng tăng liên tục hoặc kéo dài cũng là một trong những điều kiện thuận lợi dẫn đến thoát vị bẹn. Hay gặp trong trường hợp:
Táo bón nhiều năm kéo dài
Tiểu khó do phì đại tiền liệt tuyến hoặc do hẹp niệu đạo.
Ho lâu ngày kéo dài
Từng bị thoát vị bẹn
4. Phân loại thoát vị bẹn:
Có hai loại thoát vị bẹn là:
– Thoát vị bẹn gián tiếp: Loại thoát vị này gây ra bởi một khuyết tật bẩm sinh trong thành bụng.
– Thoát vị bẹn trực tiếp: Loại thoát vị này thường xảy ra ở nam giới trưởng thành. Bệnh thường xảy ra do các cơ thành bụng suy yếu theo tuổi tác, do tăng áp lực hoặc nâng vật nặng.
Thoát vị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên bẹn. Thoát vị bẹn gián tiếp phổ biến hơn, nguy cơ tăng theo độ tuổi bởi vì thành bụng sẽ yếu đi do tuổi tác.
5. Chẩn đoán thoát vị bẹn ?
Thoát vị bẹn được chẩn đoán xác định dựa vào thăm khám lâm sàng. Đó là khối phồng vùng bẹn, tăng kích thước khi đứng lâu, ho, hoặc rặn lúc đi đại tiện và thường mất khi nằm. Đối với trẻ, một khối phồng xuất hiện ở vùng bẹn bìu khi trẻ khóc, mất đi khi trẻ nằm yên hoặc dùng tay đẩy lên là đủ để chẩn đoán.
Trường hợp lâm sàng không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định các phương tiện hỗ trợ như siêu âm, CT hay MRI để chẩn đoán. Trong khi thực hiện các biện pháp này bệnh nhân có thể rặn để tình trạng thoát vị biểu hiện rõ ràng hơn.
6. Biến chứng?
Trường hợp nhẹ thoát vị bẹn có thể gây đau tức vùng bẹn khi đứng lâu, khi ho, rặn, gắng sức… làm ảnh hưởng sinh hoạt, tâm lý và giảm chất lượng cuộc sống.
Trường hợp không chữa trị trong thời gian dài, tạng thoát vị thường xuyên trồi ra ngoài và dính vào mô xung quanh, không thể trở lại ổ bụng nữa, gọi là thoát vị kẹt. Lúc này bệnh nhân sẽ khó chịu nhiều hơn và có nguy cơ chấn thương tạng thoát vị.
Một số trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nghẹt, tức là tạng thoát vị không thể chui trở lại vào ổ bụng, gây phù nề dẫn tới thiếu máu nuôi, hoại tử và nhiễm trùng.
Thoát vị bẹn nghẹt biến chứng hoại tử ruột
7. Điều trị thoát vị bẹn?
- Những bệnh nhân già yếu và sức khoẻ không cho phép, mắc bệnh nội khoa mãn tính kèm theo không phẫu thuật được. Những trường hợp này nếu khối thoát vị nhỏ có thể băng treo bìu.
- Thoát vị bẹn ở trẻ em được điều trị bằng phẫu thuật cột ống phúc tinh mạc ở trẻ nam, cột ống Nuck ở trẻ nữ bằng một đường rạch da nhỏ ở nếp lằn bụng thấp.
- Thoát vị bẹn ở người lớn được điều trị bằng phẫu thuật. Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn: Mổ mở phục hồi thành bụng vùng bẹn bằng mô tự thân ( hiện nay ít được thực hiện), bằng tấm lưới nhân tạo ( phương pháp Lichtenstein ), phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới đường hoàn toàn trước phúc mạc (TEP), phẫu thuật nội soi qua ổ phúc mạc đặt tấm lưới ( TAPP).
Phục hồi thành bẹn theo phương pháp Lichtenstein
Phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo đường hoàn toàn trước phúc mạc (TEP)
Tại Bệnh Viện Bình Định, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật các trường hợp thoát vị bẹn nhi, phẫu thuật mổ mở và phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn.
Mọi thắc mắc, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 96 96 39 để được giải đáp chi tiết.
Nguồn: Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Bình Định