RỐI LOẠN LIPID MÁU

Share :

Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng quá mức lipid hay mỡ trong máu. Tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ bởi sự cản trở trong lưu thông dòng máu. Hoạt động thể lực và chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp giảm nộng độ cholesterol máu, trong khi một số người có thể cần đến thuốc. Điều chỉnh rối loạn mỡ máu là một quá trình lâu dài nhằm giúp dự phòng bệnh tim mạch.

Rối loạn mỡ máu là gì?

Rối loạn lipid máu, còn được gọi là tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol máu, là tình trạng có quá nhiều lipid (chất béo) trong máu. Gan tạo ra cholesterol để giúp tiêu hóa thức ăn và tạo ra những thứ như hormone. Nhưng cholesterol cũng có trong thực phẩm như thịt và sữa hay các chế phẩm từ sữa. Vì gan có thể tổng hợp đủ lượng cholesterol cần thiết cho cơ thể, lượng cholesterol trong thực phẩm sẽ làm tăng thêm cholesterol trong máu.

Quá nhiều cholesterol (từ 200 mg/dL đến 239 mg/dL là ranh giới cao và >240 mg/dL là cao) có thể tạo ra các rào cản trên lưu thông mạch máu, nơi máu đi khắp cơ thể. Điều này gây tổn thương các cơ quan đích do không nhận đủ máu từ những động mạch này.

Cholesterol xấu (LDL) là loại nguy hiểm nhất vì nó gây ra các mảng cholesterol cứng (mảng xơ vữa) tích tụ bên trong các mạch máu khiến máu khó lưu thông hơn, điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Bản thân mảng xơ vữa có thể bị bong hoặc viêm khiến cục máu đông hình thành xung quanh mảng xơ vữa. Hậu quả là đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim tùy thuộc vào vị trí tắc nghẽn.

Một số loại cholesterol cơ bản trong cơ thể:

  • Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) được gọi là cholesterol xấu vì nó có thể làm tắc nghẽn động mạch. (Ranh giới cao: 130 mg/dL đến 159 mg/dL. Cao: 160 mg/dL đến 189 mg/dL).
  • Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) cũng được gọi là xấu vì nó mang triglyceride làm tăng thêm mảng xơ vữa.
  • Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) được gọi là cholesterol tốt vì nó mang cholesterol đến gan, giúp loại bỏ nó. Trong trường hợp này, nó đang dọn đường cho máu của bạn đi qua các động mạch một cách suôn sẻ. Đối với HDL, bạn không muốn có con số thấp hơn 40 mg/dL.

Điều quan trọng cần biết là các bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố khác ngoài nồng độ cholesterol của bạn khi họ đưa ra quyết định điều trị.

Rối loạn lipid máu nguy hiểm như thế nào?

Rối loạn lipid máu có thể rất nghiêm trọng nếu không được kiểm soát. Khi cholesterol máu cao không được điều trị, các mảng xơ vữa sẽ tích tụ bên trong các mạch máu. Điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ vì dòng máu gặp khó khăn trong việc đi qua các mạch máu hẹp hoặc tắc hoàn toàn. Điều này làm mất đi các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho não và tim để hoạt động.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người Việt Nam.

Nói tóm lại rối loạn lipid máu có thể gây ra các biến chứng chính bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim.
  • Đột quỵ.
  • Bệnh mạch vành.
  • Bệnh lý động mạch cảnh.
  • Bệnh động mạch ngoại biên.
  • Bệnh vi mạch.
  • Đột tử.

Triệu chứng

Bản thân tăng cholesterol máu không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, triệu chứng xuất hiện là hậu quả của quá trình tăng cholesterol máu lâu dài không kiểm soát. Tuy nhiên, sau một thời gian, sự tích tụ mảng xơ vữa (được tạo thành từ cholesterol và chất béo) có thể làm giảm hoặc ngăn lưu lượng máu đến tim hoặc não. Các triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực khi gắng sức, khó chịu vùng ngực và khó thở.

Khi một mảng xơ vữa vỡ ra và một cục máu đông bao phủ nó, điều này có thể gây ra tắc toàn bộ động mạch. Đây là một cơn nhồi máu cơ tim, và các triệu chứng bao gồm đau ngực dữ dội, buồn nôn và khó thở. Trong một số trường hợp người bệnh có thể nhầm lẫn với một cơn đau dạ dày hoặc trào ngược dạ dày- thực quản. Đây là một tình trạng cấp cứu.

Dấu hiệu cảnh báo

Hầu hết mọi người không có triệu chứng khi cholesterol của họ cao. Những người có vấn đề di truyền với độ thanh thải cholesterol gây ra mức cholesterol rất cao có thể bị xanthomas (sáp, mảng mỡ trên da) hoặc cung vàng giác mạc (vòng cholesterol quanh mống mắt). Các tình trạng như béo phì có liên quan đến cholesterol cao và điều này có thể gợi ý bác sĩ đánh giá mức cholesterol của bạn.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân chính bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Rượu bia.
  • Ăn thức ăn có nhiều chất béo bão hoà hoặc chất béo chuyển hoá.
  • Ít vận động thể lực.
  • Di truyền.
  • Thừa cân hoặc béo phì.

Một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến nồng dộ cholesterol máu:

  • Chẹn beta.
  • Lợi tiểu.
  • Các thuốc tránh thai dạng hormone.
  • Steroids
  • Thuốc điều trị HIV.

Bác sĩ của bạn sẽ cần những thông tin sau:

  • Đánh giá lâm sàng.
  • Tiền sử bệnh trước đây.
  • Tiền sử gia đình.
  • Xét nghiệm nồng độ cholesterol máu.
  • Đánh giá thang điểm nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa 10 năm.

Một số người chỉ cần thay đổi lối sống là đủ để cải thiện nồng độ cholesterol trong máu. Đối với một số người khác, các thuốc làm giảm cholesterol máu là cần thiết để đạt được nồng độ cholesterol máu mục tiêu.

Những điều bạn có thể làm bao gồm:

  • Tập thể dục đều đặn.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Tránh stress xấu.
  • Chế độ ăn lành mạnh.
  • Hạn chế rượu bia.
  • Giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp.

Những người cần thuốc để điều trị rối loạn cholesterol máu thường bắt đầu với statin. Statin là một loại thuốc làm giảm lượng cholesterol xấu đang lưu thông trong máu. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc khác nếu:

  • Bạn không thể dùng statin.
  • Bạn cần thêm một loại thuốc khác để đạt được nồng độ cholesterol mục tiêu.
  • Bạn bị tăng cholesterol máu gia đình, một vấn đề di truyền khiến số lượng cholesterol xấu (LDL) của bạn cực kỳ cao.

Bác sĩ sẽ yêu cầu một xét nghiệm máu khác khoảng hai hoặc ba tháng sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc tăng lipid máu. Kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy mức cholesterol có được cải thiện hay không, điều đó có nghĩa là thuốc và/hoặc thay đổi lối sống đang có hiệu quả. Nguy cơ cholesterol gây tổn thương cơ thể là một nguy cơ lâu dài và người bệnh thường dùng các phương pháp điều trị hạ cholesterol trong một thời gian dài.

Phòng ngừa

Ngay cả trẻ em cũng có thể cần kiểm tra máu để đánh giá rối loạn lipid máu, đặc biệt nếu ai đó trong gia đình đứa trẻ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc cholesterol cao nhất là khi còn trẻ. Trẻ em và thanh niên có thể được kiểm tra năm năm một lần.

Khi đến tuổi trung niên, bạn nên kiểm tra cholesterol mỗi năm hoặc hai năm. Bác sĩ có thể giúp bạn quyết định tần suất bạn nên kiểm tra tăng lipid máu.

Những thay đổi bạn thực hiện trong cuộc sống có thể giúp ngăn ngừa tăng lipid máu. Những điều bạn có thể làm bao gồm:

  • Bỏ thuốc lá.
  • Duy trì hoạt động thể lực đều đặn.
  • Giữ mức độ căng thẳng trong tầm kiểm soát.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Ăn thực phẩm lành mạnh.
  • Giảm ăn thịt mỡ và nội tạng động vật.
  • Tránh thực phẩm có dán nhãn “chất béo chuyển hóa” (trans fat).
  • Giữ cân nặng phù hợp.
1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.