ĐIỀU TRỊ LIỆT MẶT NGOẠI BIÊN BẰNG PHƯƠNG PHÁP Y HỌC CỔ TRUYỀN

Share :

1. Các triệu chứng gợi ý liệt mặt ngoại biên là gì?

Người bệnh đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán, mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi – má mờ, góc mép miệng bị xệ xuống, bị chảy dãi hoặc nước một góc miệng, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, hỉnh mũi, nhăn trán,… phân biệt liệt liệt mặt ngoại biên với dấu hiệu tổn thương thần kinh trung ương trong bệnh cảnh đột quỵ.

2. Nguyên nhân của liệt mặt là gì?

  • Bệnh liệt mặt ngoại biên là bệnh lý tổn thương đường dẫn truyền ngoại biên của dây thần kinh VII, có hai nhóm nguyên nhân chính:
  • Nguyên phát: do mạch máu nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây thiếu máu cục bộ, phù, chèn ép dây thần kinh. Các trường hợp liệt tự phát thường tiến triển cấp tính có liên quan đến yếu tố lạnh.
  • Thứ phát: Sau nhiễm siêu vi (thường gặp là Zona vùng hạch gối), chấn thương gây vỡ xương đá (vùng trong tai), u chèn ép, tổn thương thần kinh do đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn, liệt dây VII xuất hiện khi thai trên 6 tháng (do phù, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch và rối loạn chuyển hoá vitamin, tiên lượng tốt sau khi sinh)

3. Các phương pháp nào để điều trị liệt mặt ngoại biên?

  • Điều trị nội khoa: các nhóm thuốc ức chế tình trạng viêm (corticoid); nhóm kháng virus, nhóm thuốc giãn mạch (trong trường hợp tổn thương do co mạch máu nuôi), nhóm thuốc tái tạo bao myelin (bao quanh sợi trục thần kinh) và nhóm tăng dẫn truyền thần kinh.
  • Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật giải phóng dây thần kinh trong ống thần kinh mặt do viêm tai, phẫu thuật vùng bị u chèn ép,..
  • Kết hợp với y học cổ truyền:
  • Châm cứu/ Cấy chỉ các huyệt vùng mặt như: Dương bạch, Thái dương, Toán trúc, Ty trúc không, Nghinh hương, Địa thương, Giáp xa, Nhân trung, Thừa tương… Có thể gia thêm huyệt Hợp cốc đối bên liệt.
  • Kết hợp dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược: Hồng hoa, Xích thược, Kê huyết đằng, Hoàng kỳ, Kim ngân hoa,…
  • Bên cạnh châm cứu và dùng thuốc, xoa bóp và tập vận động cơ vùng mặt cũng đóng vai trò quan trọng cho tiến trình hồi phục sau liệt mặt.

4. Nếu không điều trị, liệt VII ngoại biên có thể tự hết không?

  • Có thể hồi phục tùy thuộc vào nguyên nhân gây tổn thương, đối với nhóm nguyên nhân nguyên phát (thường do co mạch máu nuôi), liệt mặt ngoại biên có thể tự hồi phục kể cả khi chưa điều trị. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp do thời gian co mạch quá lâu, dây thần kinh cần thời gian hồi phục, các cơ mặt bị mất sự chi phối trở nên trơ, nhão và dần chuyển co cứng. Vì vậy, để phát hiện sớm nguyên nhân gây bệnh, loại trừ những nguyên nhân thứ phát nguy hiểm (như u chèn ép), người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị tích cực, có phương pháp phục hồi vận động cơ vùng mặt là rất cần thiết để trả lại nét mặt tự nhiên và tự tin cho người bệnh.
  • Một lưu ý quan trọng với bệnh nhân liệt mặt là dù được chữa trị hoàn toàn, bệnh vẫn có thể tái phát do virus đã sống tiềm ẩn trong sợi thần kinh và sẽ bùng lên, gây bệnh trở lại khi sức đề kháng suy giảm. Vị trí liệt mặt có thể cùng bên hoặc đối bên với lần trước. Để phòng bệnh cũng như tránh nguy cơ tái phát, bệnh nhân cần tránh bị nhiễm lạnh, nâng cao sức đề kháng, cũng như điều trị sớm các bệnh lý nhiễm khuẩn tai mũi họng và răng hàm mặt nếu có.

5. Khuyến cáo về phương pháp phòng ngừa bệnh liệt mặt

  • Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu Hằng – Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bình Định  khuyến cáo rằng để phòng ngừa bệnh liệt dây thần kinh số 7, mọi người nên duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày nhằm cải thiện lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng co cứng cơ mặt và hạn chế tiêu thụ thực phẩm quá lạnh hoặc quá cay. Trong lúc ngủ, cần tránh để luồng gió từ quạt hoặc máy lạnh chiếu trực tiếp vào mặt hoặc sau gáy. Đồng thời, cũng cần tránh sốc nhiệt bằng cách không ở lâu trong môi trường lạnh rồi đột ngột ra ngoài trời nóng, hoặc ngược lại.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh có thể dẫn đến liệt dây thần kinh số 7, như cảm cúm hoặc các vấn đề về tai mũi họng. Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng như đau, tê, hoặc giảm cảm giác ở một bên mặt, bệnh nhân nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
  • Nếu đã mắc bệnh, việc tuân thủ điều trị liệt mặt ngoại biên theo chỉ định của bác sĩ là rất cần thiết, bệnh nhân không nên tự ý ngưng điều trị khi chưa được phép.

Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc hỗ trợ liên quan đến điều trị liệt mặt ngoại biên, hãy liên hệ với khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bình Định

Nguồn bài viết: Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Bình Định

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.