Ngày nay, nhu cầu khám bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao. Nhờ thăm khám sức khỏe thường xuyên, Quý khách có thể phát hiện sớm các bệnh cũng như được điều trị kịp thời, nhanh chóng. Với hệ thống phòng khám chữa bệnh hiện đại, sang trọng cùng nhiều thiết bị hỗ trợ công nghệ cao, Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bình Định – Phần Mở Rộng đã trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín, đáng tin cậy của người dân.
Quý khách hàng vui lòng dành chút thời gian đọc kỹ các lưu ý trước khi thực hiện khám sức khỏe tổng quát để đảm bảo đạt được kết quả chính xác nhất.
1. Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện khám sức khỏe?
- Quý khách cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ quan trọng như chứng minh thư/ hộ chiếu, bảo hiểm y tế/ nhân thọ, các kết quả xét nghiệm/ kết quả khám cùng các đơn thuốc đang sử dụng (nếu có).
- Quý khách có vấn đề về thị lực: hãy mang theo kính đang dùng và không nên sử dụng kính áp tròng trong ngày khám.
- Quý khách đang điều trị bệnh tiểu đường: không uống thuốc hoặc insulin vào buổi sáng của ngày khám.
- Quý khách đang điều trị Tăng huyết áp, bệnh tim mạch: vẫn dùng thuốc theo đơn hàng ngày.
- Quý khách nên lựa chọn trang phục thoải mái, tránh mặc váy liền hoặc quần quá chật để việc thăm khám thuận tiện hơn.
- Quý khách là nữ giới, khi cần thực hiện các kiểm tra cổ tử cung, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân, xét nghiệm phiến đồ âm đạo thì cần thực hiện vào thời điểm không có kinh nguyệt (trước ít nhất 5 ngày hoặc sau 5 ngày).
2. Cần lưu ý những gì trước khi làm xét nghiệm?
Kết quả xét nghiệm là những chỉ số phản ánh đúng đắn nhất tình trạng sức khỏe hiện tại, vì thế cùng với việc chuẩn bị tâm lý, Quý khách cũng nên lưu ý một số điều kiện cần thiết khi làm xét nghiệm. Cụ thể:
- Đối với các xét nghiệm máu: thời điểm lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng; nhịn ăn, không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm. Các chỉ số sinh hóa máu của các xét nghiệm làm không đúng thời điểm, sau ăn hoặc sau khi dùng các chất kích thích sẽ cho kết quả không chính xác.
- Một số bệnh cần kiểm tra đường huyết phải nhịn đói khi xét nghiệm như: bệnh liên quan đường và mỡ (đái tháo đường), bệnh về tim mạch (cholesterol, triglyc- erid, HDL, LDL…), bệnh về gan mật. Còn lại những xét nghiệm bệnh khác (khoảng 300 xét nghiệm) như HIV, suy thận, cường giáp, Alzheimer (mất trí nhớ ở người già)… không cần để bụng đói.
- Sử dụng một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nên Quý khách cần thông báo cho Bác sĩ nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh nào đó.
- Khi xét nghiệm nước tiểu, Quý khách cần vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài thật sạch sẽ với nước sạch, không dùng chất tẩy rửa có tính kiềm hoặc acid để thụt rửa vì có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Chú ý, nên lấy nước tiểu giữa dòng.
- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung nên được thực hiện vào ngày thứ 15 sau ngày có kinh đầu tiên hoặc sau khi sạch kinh từ 7 – 10 ngày. (Không làm xét nghiệm này cho người đang mang thai hoặc chưa quan hệ tình dục).
- Đối với chụp X-quang và siêu âm: khi siêu âm ổ bụng nên nhịn ăn ít nhất 4 tiếng trước khi làm siêu âm. Siêu âm phần phụ (ở nữ giới) hoặc tiền liệt tuyến (ở nam giới), cần uống nhiều nước để có bàng quang đầy, có cảm giác buồn tiểu tiện trước khi làm siêu âm. Không chụp X-quang nếu phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
Quý khách cần hỏi Bác sĩ tất cả thắc mắc về bệnh trạng của mình: có phải uống thuốc, uống trong bao lâu, phản ứng thuốc, có cách chữa nào khác ngoài dùng thuốc, tái khám…Ngoài ra, Quý khách cũng nên hỏi Bác sĩ về chủng ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi B, uốn ván, cúm gia cầm, ung thư cổ tử cung…Nếu đợt khám tổng quát đạt kết quả tốt và trong điều kiện cho phép, việc khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là tốt nhất dù ở độ tuổi nào.
Tổng thời gian để hoàn thiện chu trình khám sức khỏe tổng quát của Quý khách tại Bệnh viện khoảng từ 2,5 giờ đến 03 giờ.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã lựa chọn sử dụng dịch vụ tại Bệnh viện Bình Định
Nguồn: Bệnh viện Bình Định.