[ BÁO BÌNH ĐỊNH ] Vì sao nên thực hiện khởi phát chuyển dạ?

Share :
  • Vì sao nên thực hiện khởi phát chuyển dạ?

Khởi phát chuyển dạ là một can thiệp phổ biến trong sản khoa hiện đại, đưa sản phụ vào chuyển dạ và sinh thường. So với sinh mổ, việc sinh thường mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé, cũng như giảm thiểu được những rủi ro biến chứng do quá trình phẫu thuật mang lại.

Đó là chia sẻ của TS.BS Lê Quang Thanh – Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) với các y, bác sĩ tại Bình Định.

  • Vì sao cần phải thực hiện khởi phát chuyển dạ cho sản phụ và chỉ định trong trường hợp nào, thưa bác sĩ?

– Thực tế lâm sàng có những thai phụ đã đến thời điểm cần phải chấm dứt thai kỳ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Mục đích của khởi phát chuyển dạ (KPCD) là đưa bệnh nhân vào chuyển dạ và sinh thường.

So với sinh mổ, việc sinh thường mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và bé, cũng như giảm thiểu được những rủi ro biến chứng do quá trình phẫu thuật mang lại. Đó là, thời gian hồi phục sau sinh nhanh (khoảng 1 giờ) giúp người mẹ hồi phục sức khỏe và chăm bé tốt hơn; hạn chế được tình trạng mất máu so với sinh mổ; không gặp các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến sẹo mổ lấy thai ở những lần mang thai kế tiếp như thai bám sẹo mổ lấy thai, vỡ tử cung, nhau cài răng lược vào sẹo mổ lấy thai…

TS.BS Lê Quang Thanh chia sẻ phương pháp khởi phát chuyển dạ với y, bác sĩ tại Bình Định.

Người mẹ sinh thường nhanh tiết sữa hơn mẹ sinh mổ, nhờ đó em bé được tiếp thu nguồn sữa mẹ sớm để phát triển tốt hơn. Khi sinh thường, mẹ cảm nhận được những diễn biến của cuộc “vượt cạn”, chứng kiến được khoảnh khắc con yêu cất tiếng khóc chào đời. Thời gian nằm viện ngắn, chỉ mất 2 – 3 ngày; mẹ không bị dị ứng từ thuốc gây tê, gây mê của ca phẫu thuật và các loại kháng sinh…

Đối với bé, áp lực co thắt của tử cung và ống âm đạo khi sinh thường giúp tống xuất các chất tiết hầu họng, dịch mũi của bé ra ngoài tốt hơn, bé không mắc các bệnh lý ở đường hô hấp, phổi hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ viêm phổi sau sinh. Bé được tiếp xúc với hệ vi sinh có lợi sẵn có trong âm đạo của mẹ, giúp bé được sức đề kháng tốt hơn.

Bé sinh thường được bú mẹ sớm hơn, tận dụng được nguồn sữa non có lợi, đồng thời sữa mẹ không bị ảnh hưởng của thuốc gây tê hoặc gây mê. Bé được da kề da với mẹ sớm hơn, giúp phát triển thể chất và cảm xúc của bé, tăng gắn kết tình mẫu tử.

Các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới đã đưa ra chỉ định KPCD trong trường hợp sản phụ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường thai kỳ, bệnh lý mẹ (đái tháo đường, tăng huyết áp mạn, bệnh lý thận, hội chứng kháng Phospholipid, bệnh lý tim, bệnh lý phổi nặng), thai quá ngày dự sinh từ 40 tuần trở lên, thiểu ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai chết lưu trong tử cung, thai dị dạng bẩm sinh, ối vỡ non, song thai 1 ngôi đầu.

  • Trong chia sẻ của ông, khoảng 30% sản phụ phải thực hiện KPCD nhưng thường các bác sĩ vẫn ưu tiên phẫu thuật mổ lấy thai, mà ngại chỉ định thực hiện KPCD?

– KPCD chiếm 20 – 30% thai kỳ tại Anh quốc và Hoa Kỳ, trong khi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tỷ lệ này thấp hơn. Ở nước ta, hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, tỷ lệ thai phụ cần KPCD tầm 20 – 30%.

KPCD phải thực hiện tại cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa, có phòng mổ và hồi sức tích cực sơ sinh hoạt động 24/24 giờ. Cùng với những chỉ định thì còn có những chống chỉ định sinh ngả âm đạo, cũng như các biến chứng KPCD, đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc có kinh nghiệm, kiến thức, phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và nữ hộ sinh khi thực hiện. Chưa kể, hằng ngày các bệnh viện tiếp nhận nhiều sản phụ đến khám và tư vấn với mong muốn có thể sinh mổ mặc dù không có chỉ định của bác sĩ, với những lý do như sợ đau, sợ xấu, sinh đúng ngày đúng giờ…

  • Như ông nói, có những biến chứng trong KPCD, đó cũng là lý do để sản phụ lo lắng ít chọn KPCD?

– Không phải lúc nào thủ thuật KPCD cũng giúp sinh con qua ngả âm đạo. Đôi khi bác sĩ cần phải tiến hành mổ lấy thai dù đã nỗ lực thực hiện mọi biện pháp. Sự thành công của KPCD phụ thuộc vào tình hình thực tế khi thực hiện khởi phát. Tuy nhiên, dù KPCD có thất bại thì các nghiên cứu chỉ ra phương pháp này vẫn mang lại nhiều lợi ích cho thai phụ khi được thực hiện so với mổ chủ động.

Để thực hiện KPCD, các bác sĩ, nữ hộ sinh cần thảo luận với thai phụ và gia đình thai phụ về tình hình mẹ và sức khỏe thai để đạt được đồng thuận và đồng hành cùng bệnh nhân, theo dõi sát diễn biến cuộc chuyển dạ cũng như tuân thủ quy trình.

Hiện tại, đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh tại Bệnh viện Bình Định không những nắm vững kiến thức, kỹ năng và quy trình KPCD mà còn thành thạo trong theo dõi chuyển dạ, sinh thường. Tôi tin chắc bác sĩ, nữ hộ sinh sẽ thực hiện tốt kỹ thuật KPCD để nâng cao tỷ lệ sinh thường, cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình theo dõi chuyển dạ ở tỉnh Bình Định và các khu vực lân cận.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Link báo tổng hợp: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=8&mabb=273643

Nguồn : Báo Bình Định

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.