1. Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là sự phình dãn bất thường của đám rối tĩnh mạch trĩ.
Đây là bệnh lý khá phổ biến, dân gian có câu “ Thập nhân cửu trĩ” cho thấy mức độ phổ biến của bệnh. Tuy nhiên, do vị trí đặc biệt của bệnh trĩ nên người bệnh thường ngại đến khám, dẫn đến việc chậm trễ điều trị làm bệnh nặng thêm.
2.Triệu chứng của bệnh trĩ:
Đi ngoài ra máu tươi. Đây là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh trĩ nhưng lại cũng có thế là triệu chứng của các bệnh lý khác vùng hậu môn trực tràng như: nứt kẻ hậu môn, viêm loét hậu môn trực tràng, ung thư trực tràng…
Cảm giác nặng tức ở hậu môn, mót rặn.
Sưng vùng quanh hậu môn.
Một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau.
Búi trĩ sa ra ngoài.
3. Yếu tố thuận lợi:
Các búi trĩ có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc sung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng :
- Tư thế đứng: Người có công việc phải ngồi nhiều hoặc đứng lâu làm tăng nguy cơ mắc trĩ do sự gia tăng áp lực tĩnh mạch trĩ khi đứng, ngồi.
- Táo bón: Người táo bón phải rặn nhiều khi đại tiện, rặn làm áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần
- Hội chứng ruột kích thích, hội chứng lỵ: đại tiện nhiều lần, rặn nhiều mỗi lần đại tiện
- Tăng áp lực ổ bụng: Người ho nhiều, suy tim, xơ gan, phì đại tiền liệt tuyến, đang mang thai, người lao động nặng làm gia tăng áp lực ổ bụng gây cản trở máu tĩnh mạch trĩ trở về
- U vùng hậu môn trực tràng: chèn ép gây cản trở máu từ tĩnh mạch trĩ trở về.
4. Phân loại bệnh trĩ:
Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids) .
- Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ ngoại. Lúc này búi trĩ nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.
- Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội.
Phân độ bệnh trĩ: dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn.
- Trĩ độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
- Trĩ độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
- Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
- Trĩ độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.
5. Điều trị bệnh trĩ:
Bệnh trĩ đa phần là điều trị nội khoa ( 75 %) nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng cách. Chỉ 25 % các trường hợp mới cần can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Điều trị nội khoa:
- Chế độ ăn nhiều chất xơ là phương pháp điều trị hữu hiệu cho trĩ xuất huyết, hạn chế các chất kích thích như rượu, ớt. Tránh hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu. Thay đổi thói quen đi cầu tránh táo bón.
- Ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm giúp cải thiện triệu chứng.
- Dùng thuốc: Có thể dùng các thuốc bôi hoặc nhét tại chỗ, thuốc hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch
Điều trị bằng thủ thuật
- Thủ thuật thắt búi trĩ bằng dây thun hoặc chích xơ mạch máu đến nuôi búi trĩ, thường được áp dụng cho các trường hợp trĩ mức độ nhẹ
- Chích xơ chỉ định trong trĩ độ 1 và 2, không chỉ định cho trĩ ngoại, trĩ có huyết khối, trĩ nội bị viêm loét hoặc hoại tử.
Điều trị bằng phẫu thuật:
Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị: Phẫu thuật cắt trĩ từng búi, thắt mạch trĩ bằng siêu âm Doppler, Phẫu thuật Longo…Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng.
- Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: cắt trĩ theo Milligan-Morgan, Ferguson… thích hợp cho bệnh nhân có vài búi trĩ, chi phí phẫu thuật thấp, tỉ lệ tái phát thấp, nhược điểm là gây khó chịu sau mổ, không thích hợp với bệnh nhân có quá nhiều búi trĩ hoặc trĩ vòng.
- Phương pháp Longo (stapled hemorrhoidectomy-PPH, 1998) Phương pháp này đã trở thành một lựa chọn được chấp nhận rộng rãi trong phẫu thuật cắt bỏ trĩ để điều trị trĩ nội độ 3 và độ 4. Đây là phương pháp không cắt trĩ mà nguyên lý là làm gián đoạn các mạch máu trĩ trên và giữa, sau đó khâu niêm mạc hậu môn-trực tràng bị sa lên trên, đưa các búi trĩ về vị trí trong ống hậu môn do đó làm teo mô trĩ. Ưu điểm của phương pháp này là ít gây khó chịu hơn vì không cắt bỏ vùng da hậu môn, nhược điểm là chi phí phẫu thuật cao, khó điều trị ở những bệnh nhân có búi trĩ sa nặng.
Phẫu thuật Longo
Tại Bệnh viện Bình Định, chúng tôi triễn khai cắt trĩ theo phương pháp Longo, cắt trĩ từng búi kinh điển.., lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp cho từng bệnh nhân dựa trên ưu nhược điểm của các phương pháp phẫu thuật.
Nguồn: Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Bình Định