Phẫu thuật nội soi dạ dày là một phương pháp tương đối an toàn và hiệu quả cao, ít xâm lấn, giúp điều trị các bệnh ở dạ dày ác tính và một số bệnh lý lành tính như ung thư dạ dày, loét dạ dày tá tràng cấp tính cũng như mạn tính, loét xuất huyết,…
I. ĐẠI CƯƠNG
Dạ dày là cơ quan thuộc hệ tiêu hóa phía trên nối với thực quản, phía dưới nối với tá tràng (đoạn đầu ruột non). Thức ăn vào miệng qua thực quản xuống dạ dày được nhào trộn với dịch vị, rồi được tống xuống tá tràng, ruột non để tiếp tục tiêu hóa và hấp thu.
Cắt dạ dày là phẫu thuật lấy đi một phần (cắt bán phần dạ dày) hoặc toàn bộ dạ dày. Phẫu thuật này có tác dụng điều trị các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến dạ dày. Nếu cắt toàn bộ dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành nối thực quản vào ruột non để cho hệ tiêu hóa tiếp tục làm việc bình thường.
Các kỹ thuật cắt dạ dày được thực hiện bằng cách mổ mở hoặc nội soi khi bệnh nhân đã gây mê toàn thân:
- Cắt dạ dày mổ mở: Đây là phương pháp phẫu thuật kinh điển dùng đường mổ dài giữa bụng ở trên rốn cũng có thể kéo dài qua – xuống dưới rốn.
- Cắt dạ dày nội soi: Biện pháp tiên tiến này sẽ dùng nhiều vết cắt nhỏ, ống soi đặc biệt và các loại dụng cụ nhỏ. Bệnh nhân thường hồi phục nhanh và ít đau hơn so với mổ mở.
II.CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1. Chỉ định
- Loét dạ dày tá tràng cấp tính, mạn tính.
- Loét hành tá tràng mạn tính gây hẹp môn vị.
- Ổ loét dạ dày tá tràng xuất huyết.
- Vùng thấp dạ dày có u lành tính, hoặc u có độ nguy cơ thấp.
- Ung thư dạ dày: Đối với ung thư dạ dày giai đoạn đầu có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày, giúp ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng ra các bộ phận khác củ cơ thể. Nếu bệnh nhân có khối u nhỏ ở phần thấp của dạ dày thì chỉ cần cắt một phần dạ dày. Nhưng nếu u to, nằm ở phần giữa hay phần cao của dạ dày thì khả năng là phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
2. Chống chỉ định
- Không đủ điều kiện gây mê hồi sức (GMHS) để mổ nội soi.
- Khối u quá lớn trên 5cm, giai đoạn T4b.
- Khối u vị trí lên cao trên góc Bờ cong nhỏ mà không có sinh thiết trong mổ kiểm tra diện cắt dạ dày.
III. PHẪU THUẬT CẮT DẠ DÀY NỘI SOI
Tùy theo vị trí, mức độ tổn thương ở dạ dày mà có thể cắt dạ dày bán phần hoặc toàn bộ:
- Cắt bán phần dạ dày: Phần dưới của dạ dày cắt đi để loại bỏ tổn thương, có thể kèm theo lấy bỏ hạch lân cận trong trường hợp ung thư dạ dày.
- Cắt dạ dày toàn bộ: Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy đi toàn bộ dạ dày, rồi sau đó nối thực quản trực tiếp với ruột non.
Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn với vết mổ nhỏ, ít đau, khả năng liền sẹo nhanh. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng, sau đó đưa ống nội soi có dụng cụ nhỏ để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
Tất cả những thao tác phẫu thuật nội soi dạ dày được quan sát trực tiếp trên màn hình vi tính. Bác sĩ có thể theo dõi các khâu trong quá trình phẫu thuật, xử trí kịp thời những sự cố có thể xảy ra.
IV. ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM
1. Ưu điểm
- Không bị hạn chế tầm nhìn như truyền thống, hình ảnh chất lượng tối ưu với độ chính xác cao hơn.
- Ít đau sau mổ, ít mất máu trong quá trình mổ.
- Chức năng đại tràng phục hồi nhanh
- Sẹo mổ nhỏ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, đảm bảo thẩm mỹ.
- Hồi phục sau mổ nhanh, thời gian nằm viện ngắn.
- Nhanh chóng sinh hoạt lại bình thường
2. Nhược điểm
- Thời gian mổ kéo dài hơn so với mổ mở thông thường.
- Kỹ thuật khó nên đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao.
- Trường hợp cắt dạ dày do ung thư thì nguy cơ biến chứng cao hơn do bệnh nhân lớn tuổi và thể trạng kém.
V. THEO DÕI VÀ BIẾN CHỨNG
1. Các biến chứng ngoại khoa có thể gặp trong cắt dạ dày
- Chảy máu
- Nhiễm trùng vết mổ
- Bung thành bụng
- Xì miệng nối hoặc xì mỏm tá tràng
- Áp xe trong ổ bụng
2. Theo dõi
- Bệnh nhân cần được nuôi bằng đường tĩnh mạch cho đến khi ăn uống lại bình thường. Hầu hết bệnh nhân có thể bắt đầu ăn nhẹ sau 4-5 ngày hậu phẫu.
- Bệnh nhân cần dùng thuốc giảm đau vài ngày, và nếu bệnh nhân thấy giảm đau không hiệu quả thì có thể thông báo để được dùng loại thuốc khác.
- Thường thì sau khi cắt dạ dày 1-2 tuần bệnh nhân có thể xuất viện.
Nguồn: ThS.Bs Nguyễn Thanh Hải – Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Bình Định