Đau vai gáy tê tay là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở những người có đặc thù công việc phải ngồi nhiều giờ liền tại một vị trí.
Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau vai gáy, đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau bả vai lan xuống cánh tay, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Triệu chứng này có thể trong nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng…
Nguyên nhân:
- Nguyên nhân dẫn đến đau vai gáy là do căng cơ vùng vai gáy, tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ hoặc chèn ép rễ thần kinh như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao…, hoặc do công việc hàng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần như lái xe, sơn trần, làm việc với máy vi tính.
- Bệnh hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, nằm gối cao, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế; khi cơ thể yếu mệt, do lưu thông máu và trao đổi ôxy trong cơ thể giảm cũng dễ bị đau nhức. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Cách chữa đau vai gáy:
- Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, người bệnh có thể tự điều trị bằng cách dùng cao dán, nên nghỉ ngơi, thư giản, chườm nóng, xoa bóp giúp giản cơ, tăng cường lưu thông máu.
- Trong trường hợp tự chữa không giảm phải đến cơ sở y tế có khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng để được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu như điện xung, siêu âm, kéo cột sống cổ…. tùy nguyên nhân và tư vấn cụ thể các bài tập, cũng như tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động.
Phòng chống bệnh đau vai gáy:
- Nên phòng đau vai, gáy từ khi chưa có biểu hiện bằng cách vận động đúng tư thế. Khi ngủ chỉ kê gối dưới gáy, không nên nằm gối cao và không nằm võng. Nghe điện thoại nên cầm ở tay không kê vào vai để giảm bớt độ căng các cơ ở cổ và bả vai… Những người lao động hay phải cúi (như diễn xiếc, đánh máy, phi công, tài xế,…) nên có những bài tập riêng hằng ngày để làm thư giãn cơ vùng vai gáy.
- Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi lâu, tránh căng thẳng, luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ vùng vai gáy như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống… thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Lưu ý: Khi đau cổ, vai, gáy không xoay, vặn mạnh vì dễ gây tổn thương nặng đến các dây thần kinh. Không uống thuốc tùy tiện mà phải đi khám để được bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng.
Nguồn: Bệnh viện Bình Định.