Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, cơ thể mẹ đã bắt đầu tạo ra sữa đó là sữa non. Sữa non được coi là dưỡng chất vàng vì chúng rất giàu năng lượng, giàu lactose giúp phát triển trí não và ít protein so với sữa bò, giàu chất diệt khuẩn nhất là trong giờ đầu tiên sau sinh. Ngoài ra, lượng vitamin A gấp 10 lần sữa vĩnh viễn, giúp phòng bệnh khô mắt. Chứa ít canxi và phốt pho phù hợp với thận chưa tốt của trẻ trong những ngày đầu. Giúp sổ, tống phân xu nhanh hơn, giảm vàng da sau sinh. Giúp ruột trưởng thành nhanh hơn, phòng dị ứng và dung nạp các thức ăn khác.
Sữa non sẽ tiết ra kéo dài đến 1 tuần lễ sau sinh. Sữa vĩnh viễn là từ tuần thứ 3 trở đi. Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, các chất đạm, béo, đường, vitamin, yếu tố sinh học.
85% chất bột đường trong sữa mẹ là đường lactose, cứ 100 ml có 7g lactose, giúp hỗ trợ cho sự hấp thu canxi vào ruột. 15% còn lại là oligosaccharid giúp phát triển hệ vi khuẩn có lợi trong ruột, giúp tống xuất các vi khuẩn bất lợi, gia tăng hệ vi khuẩn có lợi. Cung cấp năng lượng, là nguyên liệu trưởng thành cho não.
Sữa mẹ chứa cả 02 loại whey và casein với tỷ lệ 60:40, giúp trẻ nhanh tiêu hóa. Số lượng đạm ít hơn sữa động vật, phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Đạm whey chứa nhiều yếu tố diệt khuẩn như lactoferrin, kháng thể IgA, lysozyme, bifidus giúp phát triển chủng vi khuẩn đường ruột có lợi lactobacillus.
Chất béo cung cấp 50% năng lượng khẩu phần, acid béo không no nhiều hơn acid béo no. Chất béo có nhiều trong sữa cuối, do đó trẻ nên được bú hết 1 bên vú rồi mới chuyển sang bên kia. Chất béo giúp hoàn tất cấu trúc hệ thần kinh, nhất là myelin hóa các dây thần kinh. Chứa các acid oleic, acid α-linoleic, acid linoleic là tiền tố của DHA và ARA mà các chất này trong sữa động vật không có giúp hoàn thiện não bộ, võng mạc, làm vững bền mạch máu.
Sữa mẹ chứa đầy đủ các vitamin A, B1, B2, C, khoáng chất Calci, phospho. Tuy nhiên hạn chế là hàm lượng vit D, sắt thấp (1 lít sữa mẹ chỉ chứa 0,5-1,5 mg sắt), do đó trẻ bú sữa mẹ sẽ cần bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày ngay sau khi sinh.
Tác dụng phòng ngừa nhiễm khuẩn nhờ chứa các kháng thể IgA, Bạch cầu, Lysozyme, Lactoferrin, Oligosacharide. Trẻ bú mẹ ít bị viêm phổi thấp hơn 4 lần và tiêu chảy thấp hơn 3 lần. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn chứa những kháng thể chống các bệnh nhiễm khuẩn mà mẹ đã từng mắc bệnh.
Khi con được bú mẹ, mẹ sẽ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm, giảm được sự lo âu, trầm cảm sau sinh. Trẻ được âu yếm sẽ ít khóc hơn, cảm giác an toàn hơn, tinh thần, trí tuệ trẻ phát triển tốt hơn. Bú mẹ giúp mẹ giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh. Giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, tiểu đường loại 2 và huyết áp cao. Chậm có thai trở lại do ngăn cản việc rụng trứng. Hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu.
Những trẻ được bú mẹ sẽ được bảo vệ trẻ không tăng cân quá mức (thừa cân, béo phì) nhất là trong hai năm đầu đời và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành (tiểu đường, tim mạch, huyết áp …) do sữa mẹ có các hormone Leptin, Ghrelin, IGF-1 tham gia điều chỉnh ăn uống và cân bằng năng lượng.
Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng nếu mẹ có chế độ ăn uống quá kiêng khem, không hợp lý. Bà mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ trước khi mang thai, trong mang thai và sau sinh để có thể đảm bảo được nguồn sữa mẹ chất lượng cho con trong những năm tháng đầu đời.
Phòng Khám-tư vấn dinh dưỡng Bệnh viện Bình Định cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng; Tư vấn chế độ ăn phù hợp bệnh lý; Thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng để tìm nguyên nhân; Điều trị các bệnh lý bằng chế độ ăn.
Nguồn: Tổ Dinh dưỡng – Bệnh viện Bình Định