TIÊU CHẢY DO ROTAVIRUS – BỆNH CÓ THỂ PHÒNG NGỪA BẰNG VẮC XIN

Share :

1. Rotavirus là gì?

Rotavirus là một loại vi-rút dễ lây nhiễm, gây ra bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, còn được gọi là bệnh viêm dạ dày ruột. Rotavirus không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng là thủ phạm phổ biến nhất gây ra tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hàng năm, trên thế giới có đến hơn 215.000 ca tử vong do virus này gây ra.

2. Đặc điểm dịch tễ học?

Ở các nước có khí hậu ôn đới, bệnh tiêu chảy do vi rút Rota xảy ra tập trung theo mùa, nhiều nhất là mùa đông. Ở các nước nhiệt đới, bệnh xảy ra rải rác quanh năm.

Tại Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm Rotavirus. Mãi đến năm 1980 mới nghiên cứu và xác định Rotavirus là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Đó là một bệnh rất phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em.

Ở miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân (khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt). Ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng ba và tháng chín. Tại Việt Nam có 56% số trẻ nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp là do nhiễm Rotavirus.

3. Rotavirus có bao nhiêu nhóm?

Baoming (1995) chia vi rút Rota thành 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch lẻ tẻ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành. Trên thế giới, ghi nhận chủ yếu là 4 chủng G1P8, G3P8, G4P8, G2P4; ở Việt Nam, chủng G1P8 chiếm đa số.

4. Con đường lây truyền của Rotavirus?

Rotavirus lây truyền qua đường phân – miệng hay tay-miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có vi-rút bám dinh rồi đưa tay lên miệng, vi-rút sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.

5. Triệu chứng của bệnh tiêu chảy do Rotavirus?

+ Nôn ói và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

+ Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.

+ Sốt vừa phải

+ Đau bụng

+ Có thể ho và chảy nước mũi

6. Đối tượng dễ mắc bệnh?

Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do vi rút Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh, thường hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là dưới 12 tháng.

7. Chẩn đoán bệnh tiêu chảy do rotavirus?

Ca bệnh xác định: là những ca bệnh có xét nghiệm dương tính với Rotavirus.

Xét nghiệm có 3 nhóm chính:

+Phương pháp chẩn đoán nhanh phát hiện vi rút hoặc kháng nguyên
+Phương pháp chẩn đoán phát hiện ARN của vi rút
+Phương pháp chẩn đoán huyết thanh học
8. Bệnh gây ra biến chứng gì?

Khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

9. Biện pháp phòng bệnh là gì?

– Phòng bệnh chủ động: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nên uống dự phòng vắc xin Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

– Tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ (vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân): Vệ sinh nguồn nước, ăn uống theo các quy định của vệ sinh an toàn thực phẩm như không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống, giáo dục thói quen vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi), người mẹ phải giữ gìn vệ sinh tốt trong thời kỳ cho con bú.
– Vệ sinh phòng dịch: Sát khuẩn, tẩy uế những chất thải và đồ dùng có liên quan đến bệnh nhân. Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí hai ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
10. Đối tượng không nên uống vaccine Rotavirus?

Trẻ em dưới 6 tuần tuổi

Không sử dụng vắc-xin ngừa Rota cho trẻ bị mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong vắc-xin. Ngoài ra, vắc-xin rota cũng chống chỉ định với những trường hợp sau:

– Trẻ dị tật đường tiêu hóa bẩm sinh không được sử dụng vắc-xin hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

– Trẻ có tiền sử bị lồng ruột

– Trẻ đang bị sốt cao

– Trẻ bị rối loạn hệ thống miễn dịch

– Trẻ có tiền sử bị dị ứng thuốc hoặc xuất hiện các dấu hiệu tiêu chảy, nôn mửa sau khi sử dụng một số loại thuốc.

11. Sử dụng đồng thời vaccine rotavirus với các loại vaccine khác

Vaccine phòng rotavirus-vaccine sống, giảm độc lực có thể được sử dụng đồng thời hoặc tuần tự với các vắc xin sống, giảm độc lực hoặc bất hoạt khác. Khi uống cùng với vắc xin bại liệt dạng uống (OPV) thì đáp ứng miễn dịch của vắc xin có ảnh hưởng nhưng vẫn giữ hiệu quả bảo vệ – không làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ chống lại vi khuẩn gây viêm dạ dày ruột.

Hiện tại Bệnh viện Bình Định đang có sẵn 2 loại vaccine phòng tiêu chảy do rotavirus với lịch tiêm chủng như sau:

-Vaccine Rotarix (xuất sứ Bỉ): chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên, uống 2 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng, cần hoàn thành phác đồ trước khi bé được 24 tuần tuổi.

-Vaccine Rotateq (xuất sứ Mỹ): chỉ định cho trẻ từ 7,5 tuần tuổi trở lên, uống 3 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần, cần hoàn thành phác đồ trước khi bé được 32 tuần tuổi.

Qúy khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 969639 để được tư vấn và đăng ký tiêm vắc xin.

Nguồn bài viết: Phòng tiêm chủng – Bệnh viện Bình Định

 

1900 96 96 39
Scroll to Top

Gửi câu hỏi cho Bác sĩ Bệnh viện Bình Định

Đăng ký khám và tư vấn tại Bệnh Viện bình định

Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của quý khách. Chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.