Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ có người lớn mới viêm loét dạ dày tá tràng, còn trẻ em sẽ không mắc. Tuy viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em ( hay còn gọi là viêm dạ dày) không phải là bệnh lý nhi khoa phổ biến, nhưng trong những năm gần đây số lượng trẻ mắc bệnh này có xu hướng tăng lên rõ rệt, hầu như bất kỳ trẻ em nào cũng từng mắc phải. Vì những triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ em khác biệt so với người lớn nên các bậc phụ huynh thường không để ý phát hiện. Hiện tượng viêm dạ dày kéo dài sẽ khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa hay thậm chí là ung thư dạ dày. Hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo viêm dạ dày ở trẻ sau đây!
1. Lưu ý 6 triệu chứng viêm dạ dày ở trẻ
1.1. Bé biếng ăn, chán ăn
Khi bị viêm dạ dày, bé sẽ chậm tăng cân vì biếng ăn, lười ăn, đặc biệt là nôn ói thường xuyên. Các bậc phụ huynh lại càng thúc ép ăn nhiều hơn khiến bệnh dạ dày của con tiến triển tệ hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, mà còn tổn thương tâm lý của trẻ.
1.2. Bé hay đau bụng
Các bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn những cơn đau bụng thường hay đau bụng giun với những cơn đau dạ dày để rồi chủ quan không đưa trẻ đi khám. Theo số liệu thống kê, trong 60% đứa trẻ nhập viện do viêm dạ dày thì hết một nửa là đau bụng kéo dài trên 3 tháng mà chưa được điều trị, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày,…
Vì thế, bạn cần lưu ý khi trẻ đau bụng thất thường, tái đi tái lại nhiều lần và thường là trước hoặc sau khi ăn. Vị trí đau dạ dày ở trẻ cũng khác biệt so với người lớn: đau ở trên rốn hoặc quanh rốn. Cơn đau thường diễn ra về đêm, khiến trẻ tỉnh giấc, âm ỉ kéo dài hay dữ dội trong vài chục phút đến hàng giờ liền.
1.3. Bé hay bị đầy hơi, ợ chua, khó tiêu
Đầy hơi và ợ chua là dấu hiệu viêm dạ dày phổ biến ở trẻ, thế những bé sẽ gặp khó khăn khi miêu tả triệu chứng này, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi. Đồng thời, dịch acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản và họng khiến bé hay bị ho, ợ hơi, ợ chua. Nếu như không được điều trị sớm, bé có thể bị viêm loét dạ dày nặng đến chảy máu.
1.4. Bé hay nôn ói, có khi ói ra máu
Như đã đề cập, nôn ói là một trong những triệu chứng đau dạ dày thường gặp ở trẻ, thường là ở các bé dưới 2 tuổi. Do hay nôn ói nên khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của bé sẽ kém, dẫn đến tình trạng chậm tăng cân, suy dinh dưỡng . Khi tình trạng bệnh nặng hơn, viêm dạ dày sẽ gây xuất huyết mạch máu, khiến bé ói ra máu, nếu như không điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
1.5. Bé đi phân đen hoặc máu
Thống kê cho thấy hơn 50% số ca trẻ em nhập viện do xuất huyết bao tử bị tình trạng đi ngoài phân đen hoặc có máu tươi. Tuy nhiên do thói quen của phụ huynh Việt Nam ta không hay quan sát phân của trẻ nên khó có thể lưu ý tình trạng bệnh dạ dày của trẻ từ sớm.
1.6. Xanh xao, hay chóng mặt
Một vài trường hợp trẻ bị viêm loét dạ dày và xuất huyết kéo dài trong nhiều ngày, dẫn đến tổn thương mạch máu tệ hơn là thiếu máu mạn tính.
Một số dấu hiệu khác bạn nên lưu ý khi trẻ bị viêm dạ dày:
- Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt
- Lòng bàn tay bàn chân trắng nhợt
- Mệt mỏi, thường bị chóng mặt
- Bé học không tập trung
Ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường trên, phụ huynh hãy đưa trẻ đến thăm khám ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chính xác căn bệnh bé đang mắc phải
2. Nguyên nhân trẻ bị viêm dạ dày
2.1. Do nhiễm vi khuẩn, virus
Nguyên nhân cơ bản nhất khiến trẻ bị viêm dạ dày đó chính là bị nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong số ít những loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong niêm mạc dạ dày của bệnh nhân. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP gây ra nhiều vấn đề về cho hệ tiêu hóa, trong đó có viêm dạ dày tá tràng.
2.2. Sử dụng thuốc không đúng chỉ định
Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày ở cả người lớn và trẻ em do bị kích ứng.
2.3. Chế độ ăn uống không khoa học
Dạ dày của trẻ em yếu hơn người lớn, niêm mạc dạ dày của trẻ dễ bị kích ứng. Vì thế, khi tiếp xúc với các thực phẩm có tính chua, cay, thực phẩm có ga trong một thời gian dài, phần niêm mạc dạ dày của bé sẽ dễ bị viêm và gây bệnh nguy hiểm.
2.4. Căng thẳng, stress kéo dài
Stress, căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với trẻ em, stress, căng thẳng do áp lực học hành thi cử khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi. Cộng thêm việc học hành liên tục, ăn uống thất thường ở trường sẽ gây ra viêm dạ dày ở trẻ.
3. Phòng bệnh viêm dạ dày ở trẻ
Những điều nên làm khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng:
- Luôn chú ý vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ, đặc biệt là phải rửa thật sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Hãy cho trẻ sử dụng riêng các đồ dùng cá nhân của mình: việc dùng chung đồ cá nhân sẽ làm lây lan rất nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh viêm dạ dày ruột.
- Luôn đảm bảo chế biến thức ăn cho trẻ phải được nấu chín kỹ, nước uống cho trẻ phải đun sôi để nguội, để loại trừ tiêu các mầm mống bệnh nếu có.
- Cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn đúng giờ, không để quá đói hoặc quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ.
- Cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít mỡ, ít chất kích thích, dùng thuốc đầy đủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Cần cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu và tái khám theo hẹn hoặc khi thấy bất thường.
Nếu nhận thấy các biểu hiện viêm dạ dày ở trẻ em như đầy hơi, ợ chua, khó tiêu,… cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị.
Những điều nên tránh khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng:
- Tuyệt đối không để trẻ đói quá, ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ (nên cho trẻ ăn cách đi ngủ trên 3 giờ).
- Không cho trẻ ăn thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá nhiều gia vị chua cay mặc dù trẻ thích.
- Không cho trẻ uống nước có ga, nước tăng lực.
- Không tự ngưng điều trị ngay cả khi trẻ cảm thấy đỡ nhiều, nên điều trị đúng và đủ phác đồ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguồn : Khoa Nhi – Bệnh viện Bình Định