Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý phổ biến, gây ra sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến máu bị ứ đọng lại ở vùng chân, gây biến đổi về huyết động và làm biến đổi các tổ chức mô xung quanh.
Dấu hiệu và triệu chứng của suy dãn tĩnh mạch chi dưới
Suy tĩnh mạch chi dưới ban đầu thường không có triệu chứng trong thời gian dài. Triệu chứng điển hình của suy tĩnh mạch chi dưới: cảm giác nặng cẳng chân, căng đau bắp chân, chuột rút, loạn cảm giác cẳng chân. Phù chân là triệu chứng thường gặp trong giai đoạn sau. Loạn dưỡng da (mẳng sắc tố, sừng hóa, loét da…) là triệu chứng gặp ở giai đoạn muộn.
Suy tĩnh mạch thường gây cảm giác nặng, căng đau bắp chân và bàn chân. Suy tĩnh mạch nông có thể gây ra các khối tĩnh mạch mỏng nhìn thấy trên da, có thể vỡ và chảy máu sau khi bị chấn thương nhẹ. Suy tĩnh mạch sâu có thể tạo điều kiện thuận lợi hình thành huyết khối, từ đó có thể gây các biến cố thuyên tắc mạch nặng, đặc biệt tắc động mạch phổi có thể dẫn tới suy hô hấp và có thể tử vong.
Nguyên nhân thường không rõ, nhưng suy tĩnh mạch có thể là hậu quả từ suy van tĩnh mạch hoặc do sự giãn nở ban đầu của tĩnh mạch do yếu cơ cấu trúc. Ở một số người, suy tĩnh mạch chi dưới thường do chứng suy tĩnh mạch mạn tính và tăng áp lực tĩnh mạch. Hầu hết mọi người không có các yếu tố nguy cơ rõ ràng.
Một số yếu tố nguy cơ của suy dãn tĩnh mạch chi dưới:
- Tuổi cao.
- Thường gặp ở nữ giới hơn nam giới.
- Nghề nghiệp và thói quen đứng lâu một chỗ.
- Có thể liên quan di truyền.
- Một số thuốc chống trầm cảm có thể tăng nguy cơ mắc suy tĩnh mạch chi dưới. Dùng thuốc ngừa thai uống và nội tiết tố không có liên quan đến suy tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch chân, không làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, tuy nhiên có thể liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Mang thai và sinh đẻ nhiều lần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc suy dãn tĩnh mạch chi dưới.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Táo bón kinh niên.
Phân độ suy tĩnh mạch theo CEAP (C: Clinical; E: Etiologic; A: Anatomic; P: Pathophysiologic)
C0: chưa có biểu hiện bệnh lý suy tĩnh mạch
C1: Giãn tĩnh mạch mạng nhện hoặc dạng lưới với đường kính < 3mm
C2: Giãn tĩnh mạch với đường kính > 3mm
C3: Phù chi dưới nhưng chưa có biến đổi trên da
C4: Biến đổi sắc tố da do bệnh lý tĩnh mạch
C5: Biến đổi sắc tố da kèm vết loét đã lành
C6: Biến đổi sắc tố da kèm vết loét đang tiến triển, không lành
Chẩn đoán: thường kết hợp vào triệu chứng lâm sàng và siêu âm doppler tĩnh mạch chi dưới
Siêu âm doppler tĩnh mạch chi dưới là phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới.
Nguồn bài viết: Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Bình Định