Thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt là yêu cầu cấp thiết hiện nay, đang được Bộ Y tế chú trọng triển khai trên toàn quốc.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh – Phần mở rộng thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho cả Bệnh viện và người dân
Quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu chi phí khám, chữa bệnh đang áp dụng hiện nay gồm 6 bước. Nếu chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút. Đó là thời gian trung bình của một người khi đến khám tại các bệnh viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh – Phần mở rộng mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 500-700 lượt bệnh nhân ngoại trú và 200 lượt bệnh nhân nội trú đến khám bệnh. Quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện cũng tương tự như nhiều bệnh viện khác, bệnh nhân nhận số thứ tự, xếp hàng và đóng khoản tiền tạm ứng tại Quầy tiếp nhận – thu viện phí. Đối với bệnh nhân nội trú khi nhập viện xong phải tạm ứng tiền, khi kết thúc quá trình điều trị thì thanh toán viện phí.
ThS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Bình Định cho biết: “Việc thanh toán bằng tiền mặt phải trải qua quá trình kiểm đếm, nếu số lượng tiền mặt lớn thu ngân phải cần rất nhiều thời gian, hơn nữa còn không an toàn dễ dẫn đến thiếu, thừa, nhầm lẫn trong quá trình kiểm đếm. Bên cạnh đó, Bệnh viện mất một khoảng thời gian thu và nộp tiền mặt cho ngân hàng. Còn đối với người bệnh khi thanh toán viện phí phải xếp hàng chờ đến lượt, nếu bệnh nhân xuất viện đông sẽ gây ùn tắc, quá tải tại các quầy thanh toán viện phí, mất nhiều thời gian của người bệnh. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thanh toán viện phí cho cả Bệnh viện và người dân, Bệnh viện đã triển khai việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ tháng 4 năm 2018, hiện nay đã đặt 08 máy POS tại nhiều vị trí như tại các Quầy tiếp nhận- thu viện phí, các khoa, phòng… để người bệnh thuận tiện ứng dụng các thiết bị điện tử trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh”.
Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành Y tế sẽ góp phần cải thiện các khâu chờ đợi; giảm nguy cơ mất trộm, mất cắp của người bệnh. Đồng thời, người dân không phải mang theo tiền mặt bên người, không lo nhầm lẫn hay thiếu tiền, với chiếc thẻ cùng tài khoản trong ngân hàng, người sử dụng có thể chi tiêu bất cứ ở đâu có máy chấp nhận thanh toán. Đối với phía bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt giảm thời gian nhân viên kiểm tiền, bảo quản hay hủy bỏ tiền cũ, tiền rách, tiền giả, giảm nguy cơ nhầm lẫn thiếu, thừa tiền trong quá trình kiểm đếm, thanh toán viện phí… Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt có một vai trò quan trọng trong việc giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và giảm bớt chi phí cho các chủ thể tham gia. Việc thanh toán không dùng tiền mặt làm giảm nhu cầu giữ tiền mặt, giảm vận chuyển và phát hành tiền.
ThS. Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm: “Nếu dùng thẻ hoàn toàn thay tiền mặt, về phía Bệnh viện sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh và cũng dễ quản lý hơn. Nhưng thói quen dùng tiền mặt của bệnh nhân còn phổ biến, nhất là người dân vùng nông thôn không có thói quen sử dụng thẻ, không có tài khoản ở ngân hàng, người dân ít tiếp cận với các dịch vụ ở ngân hàng. Chính vì vậy, tại các khoa, phòng, các quầy thanh toán viện phí Bệnh viện có người hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh khi thanh toán bằng thẻ, truyền thông để người bệnh hiểu về lợi ích của việc thanh toán bằng tiền mặt”.
Để người dân thực hiện thanh toán viện phí tại các bệnh viện bằng thẻ mà không dùng đến tiền mặt cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về những ưu điểm khi sử dụng việc thanh toán qua POS và các hình thức thanh toán thay cho thanh toán tiền mặt như hiện nay. Đặc biệt là chú trọng vận động, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản, tích cực sử dụng dịch vụ thanh toán chuyển khoản trên máy ATM, qua POS góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh cho cả Bệnh viện và bệnh nhân.
Nguồn: Sở Y Tế Tỉnh Bình Định