Bệnh tim mạch là bệnh của tim hoặc mạch máu, còn được gọi là bệnh hệ tuần hoàn. Chủ yếu bao gồm: bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim, bệnh thấp tim, đột quỵ, bệnh tim do tăng huyết áp, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên và các bệnh về hệ tim mạch, tuần hoàn khác. Nhiều yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự xuất hiện của bệnh tim mạch như: hút thuốc lá, béo phì, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.v.v. Bệnh tim mạch gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh và là nguyên nhân tử vong hàng đầu do bệnh tật.
1. PHÂN LOẠI
Một số bệnh lý tim mạch có thể chia thành giai đoạn cấp và giai đoạn mạn tính như: hội chứng mạch vành cấp và hội chứng mạch vành mạn; suy tim cấp, suy tim mạn. Hoặc phân theo độ suy tim của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA). Có 4 cấp độ: suy tim độ I, độ II, độ III và độ IV.
2.NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân của bệnh lý tim mạch rất phức tạp và đa yếu tố, bao gồm các yếu tố sinh học và di truyền, các yếu tố môi trường và lối sống. Các bệnh tim mạch khác nhau có nguyên nhân khác nhau. Ví dụ: bệnh tim thiếu máu cục bộ, tức là bệnh tim do xơ vữa động mạch vành. Trên thành động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa, theo thời gian các mảng xơ vữa này sẽ tăng dần và dày lên khiến đường kính lòng động mạch vành bị thu hẹp lại, giảm tính đàn hồi của mạch máu, giảm lưu lượng máu tới cơ tim, từ đó dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Nguyên nhân trực tiếp hoặc yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch chủ yếu là hút thuốc lá, lười vận động, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, nhiễm trùng và di truyền. Ngoài ra còn có chế độ ăn uống không cân bằng và ô nhiễm không khí. Các yếu tố nguy cơ không tồn tại độc lập mà tương tác với nhau và cùng dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của các bệnh lý tim mạch.
- Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền là yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim mạch. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.
- Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tật và tử vong do bệnh tim mạch. Nếu người bệnh tăng huyết áp mà hút thuốc lá hoặc bị béo phì hay rối loạn lipid máu thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng cao. Biến chứng tăng huyết áp lên não gây tai biến mạch máu não, biến chứng ở mắt gây tổn thương mạch máu võng mạc, biến chứng thận gây suy thận, biến chứng tim gây bệnh mạch vành, suy tim.
- Rối loạn lipid máu
Lipid máu là các chất béo Cholesterol, Triglycerid, Phospholipid, .v.v. trong huyết tương. Rối loạn lipid máu lâu ngày có thể dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch, dần dần làm hẹp thậm chí gây tắc động mạch. Mảng vữa cũng có thể bị vỡ, dẫn đến phản ứng kết tập tiểu cầu, hình thành cục máu đông cản trở dòng máu lưu thông gây tắc mạch tại chỗ hoặc trôi đi xa làm tắc mạch, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
- Đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim mạch. Đái tháo đường gây tổn thương tế bào nội mạc mạch máu, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Từ đó làm dễ cho các phân tử cholesterol và các tế bào bạch cầu chui qua lớp nội mạc, hình thành mảng xơ vữa, dẫn đến hẹp dần lòng mạch máu. Tùy theo vị trí của mạch máu bị thương tổn mà có các biểu hiện bệnh khác nhau.
- Béo phì
Béo phì có liên quan đến sự khởi đầu và phát triển bệnh tim mạch, nguy cơ xơ vữa động mạch tăng ở những người béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường type 2, gián tiếp thúc đẩy bệnh lý tim mạch phát triển.
- Chế độ ăn uống
Thói quen ăn mặn (ăn nhiều muối), nhiều chất béo, ô nhiễm thực phẩm, uống nhiều bia rượu, ăn thiếu rau xanh và trái cây, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Hoạt động thể chất
Lối sống ít vận động, thiếu hoạt động thể chất, căng thẳng tinh thần, thức khuya có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng lượng đường trong máu, tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Hút thuốc lá
Có hàng nghìn chất hoá học trong khói thuốc lá, trong đó có ít nhất 250 chất có hại cho cơ thể. Các chất có hại trong khói thuốc lá làm tổn thương chức năng của nội mô mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch. Thuốc lá, thuốc lào hay thuốc lá điện tử đều có hại cho sức khoẻ tim mạch.
3.LÂM SÀNG
- Các dấu hiệu sớm
Tuỳ theo loại bệnh sẽ có biểu hiện cụ thể khác nhau. Giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc có một số biểu hiện chung như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, hồi hộp,…
- Các triệu chứng điển hình
Các triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch là tức ngực, đau ngực, đánh trống ngực, phù chân, đau đầu, chóng mặt, khó thở, ngất xỉu, tím, ho, chóng mặt, tức thượng vị, buồn nôn, nôn…Hầu hết các triệu chứng cũng có thể gặp ở bệnh lý không phải tim mạch, do đó cần được xác định cẩn thận.
4. CẬN LÂM SÀNG
- Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm chủ yếu: đường máu khi đói; lipid máu (Cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, Triglycerid); điện giải đồ (đặc biệt là kali) máu; axít uric máu; creatinine máu; hemoglobin và hematocrit; nước tiểu (albumine, microalbumin); các dấu ấn tổn thương tim như Troponin T, Myoglobin; các peptide natriuretic chỉ dấu suy tim.
- Điện tim đồ
Là một test chẩn đoán không xâm lấn phổ biến nhất đối với các bệnh tim mạch. Bao gồm điện tâm đồ 12 chuyển đạo thường quy, điện tâm đồ liên tục 24 giờ (Holter ECG 24 giờ), điện tâm đồ gắng sức,… rất hữu ích trong phát hiện rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ, phì đại tâm nhĩ, phì đại tâm thất, nhồi máu cơ tim hay rối loạn điện giải.
- X Quang tim phổi
Có thể thấy được hình dạng, kích thước, vị trí các mạch máu lớn của tim, hình dạng, kích thước các buồng tim. Quan sát liên quan giữa tim và các cơ quan xung quanh.
- Siêu âm tim
Siêu âm tim thông dụng được áp dụng phổ biến là siêu âm qua thành ngực, ngoài ra còn siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim cản âm, siêu âm tim gắng sức. Siêu âm tim là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, suy tim, bệnh cơ tim và bệnh màng ngoài tim.
- Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành (CT)
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn để đánh giá tình trạng xơ vữa động mạch vành và mức độ hẹp tắc. Chụp CT mạch vành không tiêm thuốc cản quang để đo độ vôi hoá động mạch vành, được tính bằng điểm vôi hoá. Tuỳ thuộc vào điểm vôi hoá và vị trí vôi hoá nằm ở nhánh động mạch vành nào và mức độ vôi hoá nhẹ hay nặng sẽ tương ứng với tỷ lệ, nguy cơ tử vong hoặc nhồi máu cơ tim hàng năm. Chụp CT mạch vành có tiêm thuốc cản quang để xác định có hẹp động mạch vành hay không, khảo sát hình thái và cấu trúc mảng xơ vữa, qua đó bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ và có hướng điều trị hợp lý.
- Chụp cộng hưởng từ tim
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, được ứng dụng để chẩn đoán các bệnh lý mạch vành, bệnh lý cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh,… Chụp cộng hưởng từ tim có thể quan sát cấu trúc, chức năng, huyết động học, đặc điểm mô,… của tim.
- Thông tim
Thông tim phải được sử dụng để tìm hiểu những thay đổi về huyết động của tim, hỗ trợ chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, tăng áp lực động mạch phổi và các bệnh khác, đồng thời cung cấp các thông số cho các trường hợp có chỉ định phẫu thuật và đánh giá chức năng tim. Thông tim trái có thể khảo sát chức năng tim trái, vận động thành tim và kích thước của buồng tim, chức năng van động mạch chủ và van hai lá, đồng thời có thể khảo sát tổn thương ở động mạch vành. Thông tim can thiệp để điều trị các dị tật của tim, một số bệnh lý van tim và bệnh lý động mạch vành.
- Điện sinh lý tim
Ghi và lập bản đồ hoạt động điện của tim. Ghi lại những thay đổi tương ứng của điện đồ trong tim khi kích thích xung điện đặc hiệu khác nhau. Là phương pháp chẩn đoán và nghiên cứu rối loạn nhịp tim, đồng thời cũng là phương pháp cắt đốt điện sinh lý để điều trị rối loạn nhịp tim.
5. ĐIỀU TRỊ
- Điều chỉnh lối sống là cơ sở để điều trị một số bệnh tim mạch. Như: cai thuốc lá, vận động hợp lý, tăng cường vận động thể chất phù hợp, tránh thức khuya, giảm căng thẳng tinh thần và giữ cân bằng tâm lý, ăn uống điều độ, tránh ăn nhiều đường mỡ muối. Chủ động kiểm soát huyết áp, đường máu, lipid máu để làm chậm tiến triển bệnh tim mạch.
- Điều trị bằng thuốc là phương pháp điều trị chính cho các bệnh lý tim mạch.
- Liệu pháp can thiệp hoặc phẫu thuật có thể điều trị triệt để một số bệnh tim mạch, và có thể cải thiện triệu chứng hoặc tiên lượng của một số bệnh tim mạch.
- Liệu pháp gen và cấy ghép tế bào gốc đã và đang được nghiên cứu áp dụng điều trị một số bệnh tim mạch.
Nguồn bài viết: Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Bình Định