1. Tổng quan bệnh sốt xuất huyết Dengue
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt, muỗi Aedes aegypti là loài trung gian truyền bệnh chủ yếu. Theo thống kê, năm 2023 tại Việt Nam có hơn 170.000 ca mắc sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi cũng như khu vực sinh sống.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt cao, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời và có thể dẫn đến tử vong.
Virus sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi, vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch sốt xuất huyết có thể mắc bệnh nhiều hơn một lần trong đời.
2. Vaccine sốt xuất huyết
2.1 Tổng quan về Vaccine Qdenga
Vắc xin Qdenga là vắc xin được phát triển và sản xuất bởi Hãng vắc xin và dược phẩm Takeda – Nhật Bản, nhà máy đặt tại Đức.
Vắc xin sốt xuất huyết Qdenga là vắc xin sống, giảm độc lực có tác dụng tạo kháng thể đặc hiệu chống lại cả 4 chủng sốt xuất huyết, bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Cơ chế hoạt động của Qdenga tương tự với các loại vắc xin khác. Khi một người được tiêm vắc xin, hệ thống miễn dịch tiếp xúc với các kháng nguyên này và tạo ra các kháng thể chống lại chúng. Khi một người sau đó tiếp xúc với virus, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra nó và có thể nhanh chóng tạo ra nhiều kháng thể hơn, trung hòa virus trước khi nó có thể gây ra bệnh sốt xuất huyết.
Trong một nghiên cứu chính ở 8 quốc gia ở Châu Mỹ Latinh và khu vực Châu Á Thái Bình Dương với khoảng 20.000 trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 16 tuổi tham gia, nghiên cứu cho thấy giảm 80% số ca sốt do bệnh sốt xuất huyết được xác nhận ở những người được tiêm vắc-xin.
2.2 Chỉ định
Vắc xin Qdenga được chỉ định phòng bệnh sốt xuất huyết do bất kỳ tuýp huyết thanh virus nào gây ra Vắc xin được tiêm cho tất cả trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Vắc xin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc bệnh sốt xuất huyết.
2.3 Chống chỉ định
Phụ nữ có thai và cho con bú
Quá mẫn với Qdenga trước đó, quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong vắc xin
Những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bao gồm sử dụng các liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị hoặc dùng corticosteroid toàn thân liều cao trong vòng 4 tuần trước khi tiêm chủng, tương tự như với các vắc xin sống giảm độc lực khác
Người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc không triệu chứng kèm theo bằng chứng suy giảm chức năng hệ miễn dịch
2.4 Lưu ý khi sử dụng
Giống như tất cả các loại vaccine khác, cần có sẵn phương pháp điều trị y tế thích hợp và giám sát trong trường hợp xảy ra phản ứng phản vệ hiếm gặp sau khi tiêm vaccine. Trước khi tiêm chủng, bác sĩ khám sàng lọc sẽ xem xét bệnh sử của người được tiêm.
a. Bệnh cấp tính
Nên hoãn tiêm vaccine Qdenga ở những đối tượng bị bệnh sốt nặng cấp tính. Các bệnh nhiễm trùng nhẹ và thông thường không bắt buộc phải hoãn tiêm chủng.
b. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tránh mang thai ít nhất một tháng sau khi tiêm vaccine.
2.5 Tương tác thuốc
Đối với những bệnh nhân được điều trị bằng globulin miễn dịch hoặc các sản phẩm có chứa globulin miễn dịch, chẳng hạn như truyền máu, các chế phẩm từ máu, huyết thanh, nên hoãn tiêm ít nhất 6 tuần và tốt nhất là 3 tháng sau khi kết thúc điều trị trước khi tiêm phòng vaccine Qdenga.
Không nên tiêm vaccine Qdenga cho những đối tượng đang điều trị bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị hoặc dùng corticosteroid toàn thân liều cao trong vòng 4 tuần trước khi tiêm chủng.
Nếu Qdenga được tiêm cùng lúc với một loại vaccine khác, vaccine phải luôn được tiêm ở các vị trí tiêm khác nhau trên cơ thể.
2.6 Lịch tiêm
Trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn áp dụng lịch tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi một 3 tháng.
Nguồn bài viết: Khoa Dược Bệnh viện Bình Định