1. Tuổi trẻ và Sức khỏe tâm thần.
Thanh thiếu niên (TTN) và những năm đầu trưởng thành đang trong thời kỳ diễn ra rất nhiều thay đổi như thay đổi trường học, thoát ly gia đình, bắt đầu cuộc sống sinh viên hay vào một nghề mới. Đối với nhiều người đây là thời gian náo động trong cuộc đời. Đây cũng là thời gian lứa tuổi này dễ bị stress nhưng cũng là thời gian của lĩnh hội và hiểu biết. Trong một số trường hợp, nếu không nhận biết và giải quyết được thì sự nhạy cảm này có thể dẫn tới các rối loạn tâm thần.
Ngày nay với sự phát triển công nghệ thông tin, của thời kỳ công nghệ 4.0. Việc sử dụng các kỹ thuật trực tuyến phát triển rộng rãi và rõ ràng đang mang lại nhiều lợi ích cũng có thể mang đến nhiều áp lực, như kết nối mạng ảo vào bất cứ thời gian nào ngày cũng như đêm. TS Andrea Bruni – cố vấn khu vực của WHO chỉ ra rằng có sự liên hệ giữa mạng xã hội và tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần khi ông cho rằng mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có thể đóng một vai trò rất tích cực nhưng cũng có vai trò tiêu cực. Ông Bruni cũng nhấn mạnh một trong những vấn đề liên quan chăm sóc sức khỏe tâm thần là phòng ngừa tự tử, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở giới trẻ tại nhiều quốc gia.
Nhiều thanh thiếu niên sống trong môi trường bị tác động tiêu cực xung đột, thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh. Những người trẻ sống trong tình cảnh như vậy rất dễ bị các rối loạn tâm thần, đặc biệt là lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.
2. Mức độ và tính phổ biến của các vần đề sức khỏe tâm thần ở tuổi thanh thiếu niên.
Ước chừng 1/5 ( khoảng 20%) thanh thiếu niên có các rối loạn về sức khoẻ tâm thần và cảm xúc và 50% các rối loạn tâm thần khởi phát từ 14 tuổi nhưng hầu hết không được phát hiện và điều trị. Tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe
tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với
những khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời. Một khảo sát dịch tễ học gần đây trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần (Weiss và cộng sự, 2014).
Trầm cảm chiếm 1/3 nguyên nhân gây ra gánh nặng này của tuổi trẻ. Tự tử là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở lứa tuổi từ 15 đến 29. Tác hại của bia rượu và các chất ma túy là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi nguy hiểm ở nhiều quốc gia như quan hệ tình dục không an toàn hoặc lái xe trong trạng thái nguy hiểm. Các rối loạn ăn uống cũng là một vấn đề cần quan tâm.
3. Bắt đầu phòng ngừa bệnh tâm thần tốt hơn khi hiểu biết.
Có rất nhiều việc cần phải làm nhằm tạo nên sức khỏe tâm thần vững chắc từ khi còn trẻ nhằm giúp phòng ngừa đau khổ và phòng ngừa bệnh tâm thần cho thanh thiếu niên và cho người trưởng thành và nhằm điều trị, phục hồi người bị bệnh tâm thần. Phòng ngừa bắt đầu với quan tâm và hiểu biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý các rối loạn tâm thần. Một số dấu hiệu có thể chỉ rõ một vấn đề về sức khỏe tâm thần, các cha, mẹ hoặc người chăm sóc của thanh thiếu niên nên chú ý các dấu hiệu sau để phát hiện sớm và điệu trị sớm các rối loạn về sức khỏe tâm thần:
4. Biểu hiện rối loạn về cảm xúc:
– Quá giận dữ trong phần lớn thời gian, khóc nhiều hoặc phản ứng dữ dội với các sự việc không vừa ý.
– Cảm thấy mình vô dụng hoặc tội lỗi nhiều.
– Lo âu hoặc lo lắng nhiều hơn những người trẻ khác.
– Nỗi đau buồn trong một thời gian dài sau khi mất hoặc chết người thân.
– Quá sợ mà không giải thích được hoặc hay sợ hơn phần lớn những đứa trẻ khác.
– Luôn bận tâm về những vấn đề thể chất hoặc sự xuất hiện của chúng.
– Hoảng sợ rằng ý nghĩ mình bị kiểm soát hoặc ngoài sự kiểm soát.
5. Biểu hiện khác thường trong tư duy và hành vi.
– Làm nhiều việc xấu ở trường học.
– Mất thích thú những việc thường hay thích làm.
– Có những thay đổi không giải thích được trong giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống.
– Né tránh bạn bè, gia đình và muốn sống một mình trong phần lớn thời gian.
– Sự mơ mộng quá nhiều và không thể làm được việc gì.
– Cảm thấy cuộc sống là quá khó khăn hoặc nói về tự sát.
– Nghe có tiếng nói mà không thể giải thích được.
– Tập trung kém, không thể tự quyết định được.
– Không thể ngồi yên hoặc tập trung chú ý.
– Lo lắng về sự gây hại, gây đau cho người khác hoặc làm việc xấu.
– Cần phải tắm, lau sạch đồ vật hoặc làm một việc nào đó nhiều lần một ngày.
– Suy nghĩ rằng sự cạnh tranh là quá nhanh không thể theo nổi.
– Ác mộng kéo dài.
6. Những hành vi gây ra các rối loạn sức khỏe tâm thần TTN.
– Sử dụng rượu hoặc các thuốc khác.
– Ăn nhiều và sau đó gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo để tránh tăng cân.
– Tiếp tục ăn kiêng hoặc cố tập thể dục mặc dầu thể chất yếu.
– Thường làm đau người khác, đập phá đồ đạc hoặc bất chấp luật pháp.
– Làm những việc có thể đe doạ cuộc sống.
Đầu tư của chính phủ và mối quan tâm của xã hội, của các lĩnh vực y tế và giáo dục trong hiểu biết và hòa nhập, các chương trình cơ bản đối với sức khỏe tâm thần là quan trọng. Sự đầu tư này nên kết nối với các chương trình gia tăng nhận thức trong thanh thiếu niên và người trưởng thành cách thức chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ bạn bè, cha mẹ và thầy cô giáo hiểu cách hỗ trợ bạn bè, trẻ em và sinh viên. Để tìm sự giúp đỡ, thảo luận sự lo lắng của mình với thầy cô giáo, đại diện trường hoặc người khác như: Bác sĩ gia đình, thầy thuốc tâm thần, nhân viên xã hôi. Phát triển nhận thức là yếu tố quan trọng tạo lập sức khỏe tâm thần vững chắc.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng về khoa học công nghệ, để đối đầu với sự thay đổi của thế giới, phát triển nhận thức sớm là yếu tố quan trọng giúp tuổi trẻ gây dựng trạng thái tâm thần vững mạnh, thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe thanh thiếu niên mang lại lợi ích không chỉ cho sức khỏe trước mắt và lâu dài, nhưng cũng cho lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Với sức khỏe tốt khi trưởng thành sẽ góp phần nhiều hơn cho việc làm, cho gia đình và cộng đồng cũng như cho toàn xã hội.
Nguồn bài viết: BSCKII. Châu Văn Tuấn