I.GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
Meloxicam là thuốc thuộc nhóm Thuốc chống viêm không steroid tác dụng giảm đau, kháng viêm. Meloxicam là dẫn xuất của oxicam, có cấu trúc gần giống với piroxicam, thuộc nhóm enolic acid NSAIDs. Nó được phát triển bởi Boehringer-Ingelheim. Meloxicam bắt đầu giải tỏa cơn đau sau 30–60 phút dùng thuốc.
II. DẠNG THUỐC, HÀM LƯỢNG
- Viên nén: 7,5 mg, 15 mg
- Nang: 7,5 mg
- Ống tiêm: 15 mg/1,5 ml
- Viên đặt trực tràng: 7,5 mg
- Hỗn dịch: 7,5 mg/5 ml
III. CHỈ ĐỊNH
- Dạng uống và đặt trực tràng được chỉ định dùng dài ngày trong bệnh thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp, các bệnh khớp mạn tính khác và viêm khớp lứa tuổi thanh thiếu niên.
- Dạng tiêm được sử dụng ngắn ngày trong những đợt đau cấp do bệnh thấp mạn tính
IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Mẫn cảm với thuốc, người có tiền sử dị ứng với aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Không được dùng meloxicam cho những người có triệu chứng hen phế quản, polyp mũi, phù mạch thần kinh hoặc bị phù Quincke, mày đay xuất hiện khi dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác. Loét dạ dày – tá tràng tiến triển.
- Chảy máu dạ dày, chảy máu não.
- Điều trị đau sau phẫu thuật bắc cầu nối mạch vành.
- Không dùng dạng thuốc đặt trực tràng cho người có tiền sử viêm trực tràng hoặc chảy máu trực tràng.
- Suy gan nặng và suy thận nặng không lọc máu. Phụ nữ có thai và cho con bú.
V. LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG
1. Cách dùng
- Thuốc có thể uống, tiêm bắp, đặt trực tràng, ngày 1 lần.
- Uống vào lúc no hoặc bất cứ lúc nào, có dùng thuốc kháng acid hay không.
- Tiêm bắp sâu, vào phần tư trên của mông, trước khi bơm thuốc, phải hút xem có máu không (tránh tiêm vào mạch máu. Nếu lúc tiêm người bệnh kêu đau nhiều, phải ngừng ngay).
2. Liều lượng
- Người lớn:
- Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp: Khởi đầu 7,5 mg/ ngày và có thể dùng tối đa 15 mg/1 lần/ngày.
- Khi điều trị lâu dài, nhất là ở người cao tuổi hoặc người có nhiều nguy cơ có tai biến phụ, liều khuyến cáo là 7,5 mg/1 lần/ngày.
- Không được vượt quá liều 15 mg/ngày.
- Đợt đau cấp của thoái hóa khớp: 7,5 mg/lần/ngày. Khi cần (hoặc không đỡ), có thể tăng tới 15 mg/lần/ngày. Nếu dùng tiêm bắp không được vượt quá liều 15 mg/ngày. Đối với người có nguy cơ tai biến cao, liều khởi đầu là 7,5 mg/ngày. Thời gian điều trị 2 – 3 ngày (thời gian này cho phép, nếu cần, chuyển sang đường uống hoặc trực tràng).
- Người cao tuổi: Liều dùng khuyến cáo 7,5 mg/1 lần/ngày.
- Suy gan, suy thận: Nhẹ và vừa, không cần phải điều chỉnh liều; nếu suy nặng, không dùng.
- Suy thận chạy thận nhân tạo: Liều không được vượt quá 7,5 mg/ngày.
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Độ an toàn và hiệu quả chưa được xác định.
- Trẻ em trên 2 tuổi: liều dùng 0,125 mg/kg/ngày, tối đa không vượt quá 15 mg/ngày.
VI. TƯƠNG TÁC THUỐC
- Thuốc có tác dụng hiệp đồng tăng mức trên sự ức chế cyclooxygenase với các thuốc chống viêm không steroid khác ở liều cao làm tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng và chảy máu, cho nên không dùng meloxicam cùng với các thuốc chống viêm không steroid khác.
- Thuốc chống đông máu dạng uống, ticlopidin, heparin, thuốc làm tan huyết khối: Meloxicam làm tăng nguy cơ chảy máu, do vậy tránh phối hợp. Trong quá trình điều trị cần theo dõi chặt chẽ tác dụng chống đông máu.
- Lithi: Meloxicam làm tăng nồng độ lithi trong máu, do vậy cần phải theo dõi nồng độ lithi trong máu trong quá trình dùng kết hợp hai thuốc với nhau.
- Methotrexat: Meloxicam làm tăng độc tính của methotrexat trên hệ thống huyết học, do đó cần phải đếm tế bào máu định kỳ.
- Vòng tránh thai: Thuốc làm giảm hiệu quả tránh thai của vòng tránh thai trong tử cung.
- Thuốc lợi niệu: Meloxicam có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp ở những người bệnh bị mất nước. Trường hợp phải dùng phối hợp thì cần phải bồi phụ đủ nước cho người bệnh và phải theo dõi chức năng thận cẩn thận.
- Thuốc chống tăng huyết áp như: Thuốc ức chế alpha-adrenergic, thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin, các thuốc giãn mạch: Do meloxicam ức chế tổng hợp prostaglandin nên làm giảm tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp của các thuốc phối hợp.
- Cholestyramin: Cholestyramin gắn với meloxicam ở đường tiêu hóa làm giảm hấp thu, tăng thải trừ meloxicam.
- Cyclosporin: Meloxicam làm tăng độc tính trên thận do vậy, khi phối hợp cần theo dõi chức năng thận cẩn thận.
- Warfarin: Meloxicam có thể làm tăng quá trình chảy máu, do vậy cần phải theo dõi thời gian chảy máu khi dùng kèm.
- Furosemid và thiazid: Thuốc làm giảm tác dụng lợi niệu của furosemid, nhóm thiazid.
VII. THẬN TRỌNG
- Mặc dù thuốc ức chế ưu tiên COX-2 nhưng vẫn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như các thuốc chống viêm không steroid khác nên khi dùng meloxicam phải hết sức thận trọng ở những người bệnh có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu vì thuốc có thể gây loét dạ dày – tá tràng, gây chảy máu.
- Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn của meloxicam nên dùng liều thấp nhất có tác dụng trong thời gian ngắn nhất có thể.
- Trong quá trình dùng thuốc có biểu hiện bất thường trên da, niêm mạc hoặc có dấu hiệu loét hay chảy máu đường tiêu hóa phải ngưng thuốc ngay.
- Meloxicam ức chế tổng hợp prostaglandin ở thận dẫn đến giảm sự tưới máu thận.
- Những người bệnh có giảm dòng máu đến thận hoặc giảm thể tích máu như suy tim, hội chứng thận hư, xơ gan, bệnh thận nặng, đang dùng thuốc lợi niệu hoặc đang tiến hành các phẫu thuật lớn cần phải kiểm tra thể tích nước tiểu và chức năng thận trước khi dùng meloxicam.
- Meloxicam có thể gây tăng huyết áp hoặc làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp, do đó khi dùng thuốc cần thường xuyên theo dõi huyết áp. Meloxicam có thể gây tăng nhẹ thoáng qua transaminase hoặc các thông số đánh giá chức năng gan khác nhau. Khi các thông số này tăng cao vượt giới hạn bình thường ở mức có ý nghĩa hoặc là tăng kéo dài thì phải ngừng dùng meloxicam.
- Ở những người bệnh bị xơ gan nhưng ở giai đoạn ổn định khi dùng thuốc không cần phải giảm liều.
- Thuốc không ảnh hưởng đến lái tàu xe, vận hành máy nhưng do có thể gây ra tác dụng không mong muốn như chóng mặt, buồn ngủ nên tốt nhất không dùng meloxicam khi đang tham gia các hoạt động này.
- Người cao tuổi có chức năng gan, thận và tim kém không nên dùng meloxicam.
VIII. SỬ DỤNG THUỐC CHO ĐỐI TƯỢNG MANG THAI, CHO CON BÚ
- Thời kỳ mang thai
Nghiên cứu thực nghiệm không thấy bằng chứng gây quái thai của meloxicam. Tuy nhiên, meloxicam được khuyến cáo không dùng cho phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ vì lo ngại ống động mạch đóng sớm hoặc các tai biến khác cho thai nhi.
- Thời kỳ cho con bú
Không nên dùng meloxicam trong thời kỳ cho con bú. Nếu cần dùng thuốc cho mẹ thì không nên cho con bú.
IX. TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐC – CÁCH XỬ TRÍ
- Tác dụng không mong muốn
Cũng giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, meloxicam thường gây ra các tác dụng không mong muốn ở nhiều cơ quan đặc biệt là trên đường tiêu hoá, máu, thận và ngoài da.
Thường gặp, ADR >1/100
- Rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, chướng bụng, ỉa chảy, thiếu máu, ngứa, phát ban trên da, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, hội chứng giống cúm, ho, viêm hầu họng, đau cơ, đau lưng. Đau đầu, phù, thiếu máu khi dùng kéo dài.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR <1/100
- Tăng nhẹ transaminase, bilirubin, ợ hơi, viêm thực quản, loét dạ dày – tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa tiềm tàng.
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Viêm miệng, mày đay.
- Tăng huyết áp, đánh trống ngực, đỏ bừng mặt.
- Tăng nồng độ creatinin và ure máu, đau tại chỗ tiêm. Chóng mặt, ù tai và buồn ngủ.
Hiếm gặp ADR < 1/1 000
Viêm đại tràng, loét thủng dạ dày – tá tràng, viêm gan, viêm dạ dày. Tăng nhạy cảm của da với ánh sáng, ban hồng đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, cơn hen phế quản.
Phù mạch thần kinh, choáng phản vệ.
- Cách xử trí:
Để giảm thiểu tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa của meloxicam, cần uống thuốc ngay sau khi ăn hoặc dùng kết hợp với thuốc kháng acid và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Nguồn: Khoa Dược – Bệnh viện Bình Định